Chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về làm việc tại huyện Mỹ Đức đồng thời bàn kế hoạch đối thoại với người dân xã Đồng Tâm để giải quyết một số vấn đề liên quan đến đất đai đang nóng những ngày qua.
Theo nguồn tin của PV, cùng đi với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung còn có một số lãnh đạo của Thành phố và đại diện các Sở, ngành.
Theo UBND huyện Mỹ Đức, để đảm bảo cho buổi đối thoại giữa người dân với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã ký giấy mời 100 người dân xã Đồng Tâm lên trụ sở UBND huyện đối thoại về những kiến nghị của người dân.
Ngoài ra, phía UBND huyện cũng bố trí 3 ôtô để đưa đón người dân từ xã lên trụ sở huyện đối thoại với lãnh đạo TP. Tuy nhiên, đến 17h30 cùng ngày, đại diện người dân Đồng Tâm vẫn chưa có mặt tại UBND huyện.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Bùi Văn Nhạc (80 tuổi) cho biết người dân nhận được thông tin từ TP Hà Nội mời ra trụ sở UBND huyện Mỹ Đức để làm việc. Tuy nhiên, người dân trong thôn Hoành không đồng ý đi ra huyện để làm việc.
Theo ý nguyện của người dân trong thôn, họ muốn lãnh đạo TP về thôn để đối thoại với người dân.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Trước đó, ngày 18/4, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, Thường trực Thành ủy đã phân công Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung phối hợp với các cơ quan chức năng sớm ổn định tình hình ở Mỹ Đức, chủ động tiếp xúc đối thoại với người dân ở xã Đồng Tâm để giải quyết các vấn đề theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai sẽ được xem xét một cách thỏa đáng.
Ngày 18/4, tại cuộc giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc này.
Theo thông tin từ Thành ủy Hà Nội, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động "đòi đất quốc phòng".
Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo của số công dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh đã được cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất đai tại khu vực đồng Sênh là đất quốc phòng, tuy nhiên số công dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương, nhất là khi tập đoàn Viettel nhận bàn giao diện tích đất trên để thi công.
Ngày 30-3-2017, Công an TP đã ra quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" theo Điều 257 và vụ án "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo điều 173 BLHS 1999.
Công an TP đã 3 lần triệu tập các công dân có liên quan lên làm việc nhưng họ cố tình không chấp hành, tiếp tục tổ chức, thực hiện các hoạt động chống đối.
Ngày 15-4, Công an TP đã bắt bốn đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm theo điều 245 BLHS 1999.
Ngay sau khi Công an TP triển khai bắt giữ các đối tượng trên, số công dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho 06 xe ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn xã Đồng Tâm; giữ, đập phá 5 xe ô tô của lực lượng chức năng (gồm 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương); giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành.
Số cầm đầu tăng cường bố trí lực lượng, chặt cây to chắn đường vào làng; đồng thời chuẩn bị gậy, đất, cát và vôi bột, xăng, kẻng sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu số cán bộ bị giữ trái pháp luật.
Tối 17/4, 15 Cảnh sát cơ động đã được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 vì đã nhận thức được sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả.