Chánh Văn phòng Bộ không đủ tư cách ký công văn yêu cầu UBND bất cứ tỉnh, thành phố nào. Điều sơ đẳng này, làm văn phòng phải biết.
Thế nhưng, sau khi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chất vấn Bộ Y tế về đấu thầu thuốc trong phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cuối tháng 9/2014, được báo chí thông tin rộng rãi, thì ông Chánh Văn phòng Bộ Y tế có Công văn số 6889/BYT-VPB1 yêu cầu UBND TP HCM chỉ đạo Sở Y tế giải trình về phát ngôn của bà Phong Lan tại kỳ họp của Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội. Không những thế, ông Chánh Văn phòng còn cho rằng phát ngôn của bà Lan xung quanh việc đấu thầu thuốc là thiếu chính xác.
Các chuyên gia còn chỉ ra rằng văn bản của Chánh Văn phòng Bộ Y tế gửi UBND TP.HCM, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM báo cáo, giải trình vừa sai về thể thức, vừa nhầm lẫn về tư cách.
Ông Nguyễn Xuân Trường
Trước thông tin cho rằng Bộ Y tế đòi ĐBQH giải trình, ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế, người ký văn bản sai thể thức đã trả lời rằng “Chúng tôi không đề nghị ĐBQH, mà chúng tôi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế TP. HCM, trong đó đồng chí Lan là Phó Giám đốc phụ trách quản lý dược, cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Sở Y tế làm rõ và báo cáo quy trình đấu thầu thuốc”.
Về vấn đề này, nhiều ĐBQH nhận xét theo quy định của pháp luật về QH và ĐBQH, khi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi và nêu vấn đề thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải trình những chất vấn và câu hỏi của ĐB Lan nêu ra. Tuy bà Lan là Phó Giám đốc Sở Y tế, về mặt hành chính là cấp dưới của UBND TP và của Bộ Y tế nhưng trong trường hợp này bà Lan thực thi quyền của ĐBQH thì Bộ Y tế phải đáp ứng yêu cầu của bà Lan. Do đó, việc Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình liên quan đến những phát biểu của bà Lan là không phù hợp. Cựu ĐBQH GS Nguyễn Ngọc Trân khẳng định ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan không phải giải trình với Bộ Y tế.
Các chuyên gia cho rằng khi có chất vấn của ĐBQH, theo quy trình, Bộ “gây sức ép” đối với UBND thành phố; UBND thành phố tiếp tục “gây sức ép” lên Sở Y tế. Phát biểu với báo chí, GS TS Nguyễn Minh Thuyết, cựu ĐBQH cho rằng việc Bộ Y tế yêu cầu đại biểu giải trình như thế là ngược với quy định. Những công văn hoặc hành vi “hù dọa” như đã nêu trên sẽ càng làm những đại biểu ít bản lĩnh hoặc “vướng trên vướng dưới” ngại nói thẳng nói thật. Nhưng tôi tin là số đại biểu có bản lĩnh, có trách nhiệm cao trước cử tri sẽ không nhụt chí.
Theo GS Thuyết, trong trường hợp này, cách giải quyết đúng nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho thu hồi công văn đã phát, đồng thời công khai giải trình và xin lỗi đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.