Bộ xương cá voi có chiều dài khoảng 15 mét, được cho là lớn nhất miền Bắc ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã được người dân nơi đây lập đền thờ, cầu mong những chuyến ra khơi mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Đã từ lâu, tục cúng cá Ông đã “ăn sâu” vào tiềm thức ngư dân ở thôn Hùng Thành, xã Đa Lộc. Bởi đối với ngư dân đi biển thì Ngài Nam Hải là thần hộ mệnh, là nơi gửi gắm niềm tin khi họ gặp sóng to gió lớn.
Kể về sự tích cá Ông, ông Đặng Văn Tính - một người trông giữ đền bồi hồi nhớ lại: “Hôm đấy quả là một ngày đặc biệt, tôi cứ nhớ như in cho tới tận bây giờ. Ông trôi dạt vào bờ, trông Ông khổng lồ lắm. Chúng tôi phải huy động hơn 30 tàu thuyền, hàng trăm người dân mới kéo được lên bờ”.
Bộ xương cá voi được cho là lớn nhất miền Bắc
Theo ông Tính cho biết, tháng 8 năm 2004, trong lúc ngư dân thôn Hùng Thành đang đánh cá trên biển thì phát hiện một con cá voi xanh nặng chừng 30 tấn, dài gần 15m đã chết. Ngư dân về làng báo tin. Mọi người trong làng ai cũng vui, vì họ tin rằng nơi nào được cá Ông vào và ở lại đồng nghĩa sẽ đem những may mắn, an lành, phát đạt đến cho nơi đó.
Hàng trăm ngư dân hì hục khiêng Ông lên bờ để thực hiện nghi thức thờ tự, chôn cất. Hơn một năm sau, khi thịt cá đã hết, người dân đưa bộ xương cá voi khổng lồ lên bờ, làm vệ sinh sạch sẽ. Bộ xương có chiều dài 15 mét còn khá nguyên vẹn với 24 chiếc xương sườn (mỗi chiếc dài 1,5 mét), 40 đốt xương sống. Bộ xương đầu rất to. Đây là bộ xương cá voi được đánh giá là còn nguyên vẹn, lớn nhất miền Bắc.
Thấy di cốt cá voi phải chịu cảnh sương gió nên người dân bàn nhau góp tiền xây dựng một ngôi đền để thờ. Đến năm 2016, ngôi đền “Ngài Nam Hải” nằm giữa trung tâm làng Hùng Thành có tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng được hoàn thiện. Bộ xương cá được bảo quản trong lồng kính.
Cứ vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, ngư dân làng Hùng Thành lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư ở đền thờ. Đó là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn cá voi và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, tàu thuyền đi trên biển êm, sóng đầm.
Ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hùng Thành cho biết: “Tục thờ cá Ông đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của làng. Đền thờ cá Ông rất thiêng, như là bùa hộ mệnh cho bà con đi biển được bình an nơi biển cả và được mùa tôm cá”.
Từ một vùng đất hoang sơ, nghèo khó không ai biết tới, đến nay, nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan và chiêm bái bộ xương cá voi khổng lồ.
Một số hình ảnh PV ghi nhận: