Bão số 1 đi qua, Hà Nội có quá nhiều cây đổ, cây cổ thụ có, cây trồng mới có, nhưng chủ yếu là cây trồng đô thị, dù rằng nó luôn được chăm sóc, cắt tỉa, có phương án bảo vệ trước mỗi mùa mưa bão.
Thực tế đã đặt ra câu hỏi, liệu có phải hoàn toàn do bão, hay do chính con người, những đơn vị có liên quan đến thi công các công trình đô thị. Họ đã làm gì để bảo vệ và giám sát sự sống của cây xanh. Liệu có các hiện tượng trồng vội vàng cho xong, đào bới công trình đô thị và rễ cây bị cắt, tỉa quá đà?
Đi khắp con đường mới phố Bồ Đề - Ái Mộ, đường Lâm Hạ, Long Biên, Hà Nội, chưa đầy 2km đã có đến hàng chục cây bị bật gốc, đổ la liệt. Thật xót xa khi cây cho những tán lá xanh mát, có chiều cao lên đến 7-8m, dễ dàng bị bật gốc chỉ sau một cơn bão không quá mạnh.
Cây đổ để lộ hố đất đào vội khi trồng và gốc cây còn nguyên vật liệu bảo vệ khi chuyên chở
Cây bật gốc, lộ ra những hố đất được trồng theo kiểu đào vội. Dù đã trồng được chừng 3-5 năm, nhưng những hốc đất mà cây đổ bỏ lại cũng chỉ sâu chừng từ 30- 50cm. Trong gần 30 cây đổ trên những con đường này, có đến 1/3 số cây có gốc vẫn còn được bọc nguyên bằng bao sợi dứa không thể tiêu hủy, qua nhiều năm mà rễ chưa thể đâm qua. Cây và đất không thể thành một khối liền chặt, vẫn là hai khối tách biệt bởi bao dứa ngăn cách.
Cây đô thị được trồng là từ tiền thuế của dân, tuy nhiên dường như chưa được sử dụng đúng, thậm chí gây lãng phí, khi liên tiếp trồng các cây mới khi các cây cũ đang xanh tốt, chưa gãy đổ đã bị chặt đi để thay thế.
Với những cây trồng vội vàng thế này, dễ dàng bị quật ngã bởi gió bão
Cây xanh được trồng xuống vội vàng, được chống đỡ bằng những cọc che, buộc chằng vào thân cây, nên dễ dàng đổ ngã khi gió bão đi qua.
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho rằng, trồng cây xanh trong đô thị phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai sao cho phù hợp, chứ không thể “có đất là trồng”, bởi Hà Nội hiện nay có quá nhiều công trình ngầm (cáp điện, cáp viễn thông, thoát nước…), cộng thêm việc bê tông hóa vỉa hè, khiến bộ rễ cây phát triển kém, dễ đổ ngã khi gặp mưa bão.
Một chuyên gia khác cho biết, đáng lẽ, khi trồng cây mới, các cột chống phải chôn sâu xuống đất khoảng 10 – 15cm, chứ không phải để hời hợt ngay trên mặt đất. “Việc cây bật gốc kèm theo những cột chống đã nói lên điều đó".
Người dân gia cố cho cây trồng trước cửa nhà
Rút kinh nghiệm hàng loạt cây đổ sau bão, một số cây ngay sát các cửa hàng cũng được người dân tự gia cố, tăng cọc bảo vệ, để giữ cho cây vững vàng, phát triển.
Khi việc trồng cây không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cách trồng cây còn vội vàng thì hệ quả cây trồng đô thị đổ hàng loạt khi mưa bão sẽ chẳng có gì là bất ngờ.