Cần lắm một ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ cấp quốc gia

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do sự khắc nghiệt của chiến tranh và nhiều lý do khác nhau mà cho tới nay, hiện có khoảng 450.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin và gần 300.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy. Trong khi đó, việc suy giảm về chất lượng mẫu phân tích cũng như việc mai một dần các thân nhân cho phép lấy mẫu so sánh do thời gian đòi hỏi chúng ta phải chạy đua với thời

Bàn giao kết quả xét nghiệm cho thân nhân liệt sĩ

Vui buồn chuyện giám định gen liệt sĩ

PGS-TS. Lê Quang Huấn không nhớ nổi anh và cộng sự đã giúp xác định bao nhiêu trường hợp danh tính liệt sĩ bị nhầm lẫn qua thời gian chiến tranh bằng phương pháp giám định gen. Một trong những thành công khá điển hình đã khiến các cơ quan chức năng hiểu thêm về tác dụng của giám định gen là trường hợp của liệt sĩ Hà Văn Tính. “Khoảng năm 2003, chúng tôi nhận được yêu cầu giám định mẫu hài cốt của liệt sĩ theo thông tin ghi trên mộ chí là LS Hà Văn Tín, quê ở Ninh Bình. Cơ sở để các đồng chí bên quân đội nghi ngờ là qua rà soát, không có liệt sĩ Tín quê Ninh Bình hy sinh tại khu vực ấy, nhưng có LS Hà Văn Tính, quê Ninh Giang, Hải Dương. Do khẩu âm người miền Nam chữ Tín và Tính phát âm gần như nhau nên có thể xảy ra nhầm lẫn. Bằng các biện pháp thông thường không thể nào xác định nên buộc phải nhờ đến giám định gen”. Viện đã triển khai lấy mẫu sinh phẩm từ thân nhân LS Tính, kết quả đúng như phỏng đoán của bên quân đội. Vậy là thêm một gia đình đã tìm được thân nhân, đồng thời cũng chứng tỏ khả năng của phương pháp thử ADN.

Thực tế, sức mạnh của phương pháp giám định ADN được phát huy tốt nhất khi cần định danh từng liệt sĩ trong một quần thể mộ chí đã có danh sách xác định nhưng không thể xác định được từng bộ hài cốt là của liệt sĩ nào. Các cán bộ của Viện Công nghệ sinh học không khỏi xúc động khi nhớ lại trường hợp giám định hài cốt của 7 liệt sĩ thuộc trung đoàn 271, sư đoàn 5, quân khu 7. Theo đồng đội kể lại, đoàn cán bộ chiến sĩ được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn trung đoàn, khi trở về bị địch phục kích, cả đoàn 13 người hy sinh, chỉ có một chiến sĩ may mắn sống sót.

Sau chiến tranh, thân nhân của LS Nguyễn Văn Khoa (một trong số 13 liệt sĩ) đã tìm kiếm và xác định được LS Khoa và 6 đồng đội khác đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Huệ (Long An). Danh tính các liệt sĩ đều đầy đủ, nhưng do thất lạc thông tin trong quá trình quy tập nên không thể xác định mộ cụ thể của từng liệt sĩ. Thông qua một loạt các cơ quan chắc năng chắp mối, gia đình liệt sĩ đã tìm đến Viện Công nghệ sinh học và rất nhanh chóng, tên tuổi của từng hài cốt đã được xác định. Trong hàng vạn nấm mộ vô danh nằm trắng các nghĩa trang lại bớt đi, thêm 7 ngôi mộ có tên.

Gia đình liệt sĩ trong buổi bàn giao kết quả giám định ADN

Tương tự là trường hợp 7 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 45, Bộ Tư lệnh pháo binh. Trong một lần sửa đường, nhân dân địa phương phát hiện hài cốt nên đã báo với chính quyền. Đối chiếu với các thông tin lưu trữ, xác định đây có thể là khu mộ chí của 7 liệt sĩ pháp binh nên các cơ quan chức năng đã tiến hành tìm kiếm và phát hiện thêm 6 bộ hài cốt. Các cán bộ Viện lập hồ sơ, lấy mẫu, giám định và đã trả lại tên cho từng liệt sĩ.

Trường hợp này có một việc tế nhị, thân nhân của 1 trong 7 liệt sĩ kiên quyết không cung cấp mẫu vì họ cho rằng đã tìm thấy và an táng hài cốt của con em mình trước đó. Qua nhiều lần thuyết phục, rốt cục Viện cũng lấy được mẫu, kết quả thực sự không ai mong muốn, 1 trong 7 hài cốt kia mới thực sự là người thân của gia đình, còn bộ hài cốt trước đó có thể là của một liệt sĩ nào khác. Lại thêm một nỗi éo le của chiến tranh.

Cần những nỗ lực tầm quốc gia để xây dựng ngân hàng gen liệt sĩ

Điều trăn trở lớn nhất đối với lãnh đạo và cán bộ Viện Công nghệ sinh học như TS.Hải, TS.Huấn là năng lực của máy móc thiết bị, kinh phí xét nghiệm chỉ có hạn, mà vẫn còn hàng trăm ngàn trường hợp liệt sĩ chưa đủ thông tin có thể thông qua giám định gen mà tìm được thân nhân. “Thời gian trôi đi, xương cốt các anh sẽ ngày càng bị hư hoại khiến công tác xét nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Có gia đình đã khóc khi chúng tôi thông báo rằng vật mà họ tưởng là mẩu xương của liệt sĩ thực ra chỉ là một mẩu đá, còn thịt xương các anh đã sớm hòa vào với đất, không thể nào giám định được”, TS.Hải tâm sự.

Hơn nữa, do đặc thù phải xác định huyết thống theo dòng mẹ nên thời gian càng dài thì càng khó tìm được người thân đủ điều kiện, đơn cử như những liệt sĩ là con một của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, khi các mẹ mất đi, rất có thể các anh sẽ mãi mãi không còn cơ hội được trả lại danh tính. “Đã hơn 35 năm sau chiến tranh rồi, có lẽ chỉ độ mươi năm nữa, chúng ta sẽ không còn cơ hội làm công tác giám định ADN xác định liệt sĩ nữa”, TS.Huấn nhận xét. Lúc ấy, dẫu có đầu tư bao nhiêu máy móc, bao nhiêu tiền của cũng là muộn.

Người Việt Nam chúng ta sử dụng từ "may mắn" thật là đa dạng. Sau chiến trận người còn nguyên vẹn trở về thì may mắn hơn người để lại nơi chiến trường một phần thân thể. Người mất đi một phần thân thể thì còn may mắn hơn người phải nằm lại nơi chiến trường. Người nằm lại trên chiến trường mà tìm được di cốt thì còn may mắn hơn những người chưa có thông tin gì về nơi yên nghỉ của các Anh.

(Tâm sự của thân nhân LS.Nguyễn Văn Khoa nhờ giám định gen mà xác định được danh tính người thân của mình)

Bởi thế, trong góp ý gửi Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về Đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”, các anh ấp ủ ý tưởng thành lập một Trung tâm quản lý thông tin và giám định gen liệt sĩ của quốc gia, mà việc trước mắt cần làm là nhanh chóng thu mẫu giám định của hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, tiến hành lưu trữ, khi có đủ điều kiện sẽ đem ra phân tích, tránh những tác động của thời gian. Đối với hài cốt liệt sĩ, cần tiến hành lấy mẫu với các hài cốt chưa rõ danh tính mới quy tập được trước khi đưa vào nghĩa trang an táng.

Ngoài ra cũng có thể thu thập mẫu đối với các nghĩa trang liệt sĩ trong quá trình tôn tạo, nâng cấp mà cần tới cất bốc hài cốt. Song song với đó là mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ. “Việc này có thể tiến hành thông qua ngành Thương binh - Xã hội trên cả nước. Chúng tôi có thể huấn luyện cho họ phương thức xác định thân nhân phù hợp, cách lấy mẫu, ghi chép thông tin và bảo quản mẫu trước khi chuyển về cho chúng tôi. Mẫu sinh phẩm trong trường hợp này đơn giản là mẫu móng tay, việc thu thập hoàn toàn dễ dàng và không tốn kém”, TS.Huấn cho biết. Nếu ý tưởng này được triển khai, toàn quốc sẽ có một cơ sở dữ liệu ADN đặc hiệu của toàn bộ hơn 350.000 gia đình liệt sĩ. Như vậy, mỗi khi có một hài cốt mới được quy tập chỉ cần phân tích gen và so khớp với cơ sở dữ liệu là sẽ nhanh chóng tìm ra được danh tính liệt sĩ.

Giám định gen xác định danh tính liệt sĩ là công tác mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nhưng nếu chỉ làm một cách đơn lẻ như hiện nay thì kết quả sẽ hạn chế và nhanh chóng mất hiệu quả do sự bào mòn của thời gian.

PGS-TS.Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học


Đề án này một khi được đưa vào triển khai sẽ đem lại hy vọng cho hàng vạn gia đình mà vì điều kiện hạn hẹp, không thể đi tìm kiếm thân nhân mình. Còn đối với hương linh các anh hùng liệt sĩ, có lẽ đây cũng là một sự tri ân thiết thực.

Hải Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắm một ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ cấp quốc gia