Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 4)

Duy Kiên| 24/05/2014 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có Hợp đồng thế chấp không có công chứng, không có đăng ký giao dịch bảo đảm. Vay đầu tư đúng mục đích, trong sản xuất gặp khó khăn, không trả lãi đúng hạn có nên xử lý tài sản thế chấp, có nên kiện ngay ra Tòa án?

Tòa án không chấp nhận giải quyết về hợp đồng tín dụng có đúng không?

Ví như vụ Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Phú Tấn, thành phố QN, tỉnh BĐ; do ông Từ Vĩnh làm đại diện theo ủy quyền kiện ông Bùi Thanh - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lẫm Hải. Doanh nghiệp tư nhân Lẫm Hải (sau đây viết tắt là DNTN Lẫm Hải) đã vay vốn của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Phú Tấn tại 07 hợp đồng tín dụng (HĐTD số 523 ngày 30/11/2006; số 420 ngày 23/8/2007; số 576 ngày 08/11/2007; số 600 ngày 16/11/2007; số 671 ngày 30/11/2007; số 598 ngày 15/11/2007; số 668 ngày 07/12/2007) để thực hiện các phương án sản xuất gỗ tinh chế xuất khẩu, với tổng số tiền nợ gốc của cả 7 hợp đồng là 7.095.000.000 đồng và tiền lãi trong hạn là 523.678.709, lãi quá hạn là 19.195.417 đồng.

Để đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng nêu trên, ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải đã ký với Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Phú Tấn 03 hợp đồng thế chấp tài sản, cụ thể là Hợp đồng thế chấp tài sản số 289, Hợp đồng thế chấp tài sản số 86 và Hợp đồng thế chấp tài sản số 87.

Do trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Bùi Thanh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo các cam kết tại các hợp đồng nên vào tháng 7/2008, Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Phú Tấn đã khởi kiện tại Tòa án yêu cầu buộc ông Thanh phải trả nợ gốc và lãi của toàn bộ 7 hợp đồng tín dụng nêu trên; nếu ông Thanh không thanh toán được nợ thì yêu cầu ông Thanh giao các tài sản đã thế chấp theo các hợp đồng thế chấp tài sản số 289, 87 và 86 nêu trên để Ngân hàng phát mại thu hồi nợ.

Tại Bản án KDTM sơ thẩm số 37/2008/KDTM-ST ngày 10/10/2008, Tòa án nhân dân tỉnh BĐ đã quyết định buộc ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn tổng số tiền 7.637.874.126 đồng; nếu ông Thanh không trả nợ thì Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn được quyền phát mại các tài sản đã thế chấp. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 18/2009/DSPT ngày 23/3/2009 (BL.87), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại ĐN chỉ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn  đối với 4 hợp đồng tín dụng gồm các hợp đồng số 523 ngày 30/11/2006, số 420 ngày 23/8/2007, số 576 ngày 08/11/2007, số 600 ngày 16/11/2007 (với tổng số tiền nợ gốc của 4 hợp đồng này là 1.655.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn là 105.204.925 đồng; lãi quá hạn là 16.320.417 đồng). Còn 3 hợp đồng tín dụng số 671, 598 và 668 thì Tòa án cấp phúc thẩm xác định chưa đủ điều kiện khởi kiện vì các hợp đồng này chưa đến hạn và tách ra dành quyền khởi kiện cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn ở một vụ án khác khi DNTN Lẫm Hải không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng.

Ngày 27/4/2009 Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu Công nghiệp Phú Tấn tiếp tục khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải thanh toán nợ gốc và lãi của 03 hợp đồng tín dụng còn lại nêu trên.

Tại Bản án KDTM sơ thẩm số 44/KDTM-ST ngày 16/11/2009, Tòa án nhân dân tỉnh BĐ đã quyết định: “1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn. 2. Xác định ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải còn nợ Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn 5.440.000.000 đồng (nợ gốc). 3. Buộc ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn số tiền 7.092.120.315 đồng (trong đó tiền nợ gốc: 5.440.000.000 đồng; tiền lãi trong hạn: 1.263.832.883 đồng; quá hạn: 388.287.432 đồng) và tiếp tục trả lãi nợ quá hạn trên số dư nợ gốc (theo mức lãi suất thỏa thuận tại các hợp đồng) cho đến khi thi hành án xong. Nếu ông Bùi Thanh không trả nợ thì Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn được quyền phát mại các tài sản đã thế chấp gồm: Hợp đồng số 289 ngày 18/10.2005; hợp đồng số 87 ngày 07/12/2007; Hợp đồng số 86 ngày 07/12/2007 để thu hồi nợ gốc và lãi. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Phú Tấn phải bồi thường số tiền 2.223.990.837 đồng.”

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24/11/2009, ông Bùi Thanh có đơn kháng cáo.

Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 31/2010/QĐ-PT ngày 18/6/2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại ĐN đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án vì lý do: “Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/4/2010, 28/4/2010 và ngày 18/6/2010, ông Bùi Thanh đều vắng mặt. Cả hai lần mở phiên tòa các ngày 26/4/2010 và 18/6/2010, ông Bùi Thanh đều được tống đạt giấy báo phiên tòa hợp lệ. Vì vậy, trường hợp này được coi là từ bỏ kháng cáo”.

Sau khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, ông Bùi Thanh - Chủ DNTN Lẫm Hải có nhiều đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên.

Giấy chứng nhận cấp cho hộ hoặc cấp cho một người và người này ký hợp đồng thế chấp; cán bộ ngân hàng không kiểm tra thực địa dẫn đến giao dịch bảo đảm có nguy cơ vô hiệu cao.

Ví như vụ Ngân hàng TMCP CT Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) kiện Công ty TNHH TMDV xây dựng may thêu XNK Kim Lê (sau đây gọi tắt là Công ty Kim Lê).

Năm 2008, Ngân hàng cho Công ty Kim Lê vay tổng số tiền 6.400.000.000 đồng theo 02 Hợp đồng tín dụng số 08.230045A/HĐTD ngày 05/3/2008 với số tiền vay là 4.700.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng (từ ngày 06/3/2008 đến 05/3/2009), lãi suất theo hợp đồng: 10,5%/năm, mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh (BL130-134).  Hợp đồng tín dụng số 08.230201A/HĐTD ngày 06/9/2008 với số tiền vay là 1.700.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng (từ ngày 06/9/2008 đến 06/9/2009), lãi suất theo hợp đồng: 10,5%/năm, mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh (BL136-139).

Đến ngày 29/3/2010, Công ty Kim Lê còn nợ Ngân hàng: Theo Hợp đồng số 08.230045A/HĐTD ngày 05/3/2008 còn nợ 5.698.201.250 đồng. Theo Hợp đồng số 08.230201A/HĐTD ngày 06/9/2008 còn nợ: 2.017.770.139 đồng.

Tại Biên bản hòa giải thành ngày 10/9/2010, đại diện Công ty Kim Lê thừa nhận số nợ như Ngân hàng trình bày, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều xác nhận có ký vào hợp đồng thế chấp và đồng ý phát mãi tài sản thế chấp nếu Công ty Kim Lê không trả được nợ.

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 1431/2010/QĐST-KDTM ngày 20/9/2010 Tòa án nhân dân thành phố HCM đã quyết định:

“Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng may thêu xuất nhập khẩu Kim Lê có trách nhiệm trả cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam toàn bộ nợ vốn và lãi phát sinh từ các Hợp đồng tín dụng gồm: Hợp đồng tín dụng số 08.230045A/HĐTD; Tổng cộng: 5.698.201.250 đồng. Hợp đồng tín dụng số 08.230201A/HĐTD, Tổng cộng: 2.017.770.139 đồng.

Sau đó, ông Đặng Thế có đơn đề nghị xem xét Quyết định nêu trên theo thủ tục giám đốc

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhận thấy các hợp đồng thế chấp dù đã có công chứng, chứng thực, đã đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng do cán bộ Ngân hàng không thẩm tra khi ký kết các hợp đồng thế chấp nói trên và có nhiều sơ hở dẫn đến nguy cơ hợp đồng thế chấp không có giá trị pháp lý rất cao.

Về quyết định của Tòa án: Do Tòa án cấp sơ thẩm không kiểm tra xác minh, nên cũng không biết diện tích đất bà Lê Nhâm đem thế chấp có một phần diện tích đã được bán cho 12 người, đã không đưa họ tham gia tố tụng. Tòa án chỉ căn cứ vào thỏa thuận của hai bên đương sự để ra quyết định công nhận thỏa thuận là không đúng. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nên quyết định công nhận thỏa thuận nói trên đã bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị.

(còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 4)