Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 3)

Duy Kiên| 23/05/2014 16:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khối tài sản được thế chấp cho nhiều Ngân hàng khác nhau, Ngân hàng không kiểm tra kỹ dẫn đến hợp đồng thế chấp sau có tài sản đã được đưa vào thế chấp cho Ngân hàng khác trước đó.

Ví dụ như vụ Ngân hàng TMCP nhà HN tranh chấp với Công ty XNK và đầu tư IM. Từ năm 2002 đến 2007 Ngân hàng TMCP nhà HN ký bốn hợp đồng tín dụng trung hạn cho Công ty XNK và đầu tư vay 25.105.555.849 đồng để đầu tư xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi Nam Mỹ. Do Công ty không trả nợ lãi, gốc theo thỏa thuận trong hợp đồng nên ngày 24/12/2008 Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bị đơn trả số tiền gốc và lãi là 33.183.217.482 đồng.

Ngoài việc bị đơn thế chấp vay tiền Ngân hàng TMCP nhà HN như nói trên, bị đơn còn ký hai hợp đồng tín dụng số 01/07-HĐTD và 02/07-HĐTD ngày 6/5/2005 với Ngân hàng TMCP CT Việt Nam Chi nhánh ĐĐ với tổng số tiền là 18.000.000.000 đồng.

Để đảm bảo cho hai khoản vay trong hai hợp đồng tín dụng số 01, 02 ngày 6/5/2005 với Ngân hàng TMCP CT Việt Nam Chi nhánh Đống Đa, bị đơn ký với Ngân hàng hai hợp đồng thế chấp. Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 6/5/2005 bị đơn thế chấp tài sản là: xe nâng hàng 2 tấn, cân điện tử 60 tấn, tháp sấy 5 tấn/giờ; hợp đồng không công chứng, nhưng có đăng ký thế chấp tài sản.

Hợp đồng thế chấp số 02 ngày 6/5/2005 với Ngân hàng TMCP CT Việt Nam, tài sản thế chấp là: nhà kho, nhà sấy nguyên liệu tại nhà máy thức ăn chăn nuôi Nam Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; Hợp đồng số 02 không có công chứng, không có giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp tài sản.

Trong khi đó hợp đồng thế chấp số 0212Po116/HĐTC ngày 20/7/2004 giữa bị đơn với Ngân hàng TMCP nhà HN, tài sản thế chấp đã có “nhà xưởng chính, nhà kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho ống…”; hợp đồng thế chấp ngày 9/4/2004 với Ngân hàng TMCP nhà HN thì tài sản thế chấp là “…toàn bộ tài sản gắn liền khu đất tại thị trấn Mỹ Bình, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V942784 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cấp ngày 7/3/2013 bao gồm khu nhà xưởng sản xuất và văn phòng”.

Hợp đồng thế chấp số 702PO009 ngày 5/2/2007 giữa bị đơn với Ngân hàng TMCP nhà HN, trong hợp đồng ghi tài sản thế chấp là toàn bộ dây chuyền thiết bị đồng bộ để sản xuất thức ăn chăn nuôi HKJ40Z, toàn bộ nhà máy sản xuất thức ăn… Như vậy, các hợp đồng thế chấp đã có dấu hiệu có tài sản được thế chấp với cùng Ngân hàng sau đó lại đem thế chấp với Ngân hàng khác. Nếu hợp đồng thế chấp trước hợp pháp thì hợp đồng thế chấp sau sẽ không có giá trị dù có được công chứng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký thế chấp.

Riêng Ngân hàng TMCP CT Việt Nam, hợp đồng thế chấp số 02 không công chứng, không được cấp giấy chứng nhận đăng ký thế chấp, nên hợp đồng này không bảo đảm các yêu cầu về pháp lý. Vì vậy, hợp đồng tín dụng dù có hợp đồng thế chấp số 02 để bảo đảm cho hợp đồng tín dụng đó, nhưng hợp đồng bảo đảm này vi phạm về hình thức, nên hợp đồng tín dụng đó vẫn là hợp đồng tín dụng không có sự bảo đảm.

Có hai hợp đồng thế chấp cùng một ngày, cùng một số công chứng, cùng một quyển sổ, có một bản có sự sửa ngày trong điều khoản, có hai biên bản định giá tài sản có nội dung khác nhau và Hợp đồng tín dụng ký trước Hợp đồng thế chấp.

Ví như vụ Ngân hàng NN và PTNT VN - Chi nhánh YĐ; có trụ sở tại 80 Hai Bà Trưng, thành phố P, tỉnh GL; do ông Phạm Đại - giám đốc Chi nhánh đại diện kiện Công ty TNHH Hoàng Phi; có trụ sở tại 36 Lê Thánh Tôn, thành phố P, tỉnh GL.

Ngày 01/02/2008, Ngân hàng ký Hợp đồng tín dụng số 32/08/HĐTD cho Công ty TNHH Hoàng Phi vay số tiền 2.000.000.000 đồng; lãi suất 1,15%/tháng; thời hạn vay là 36 tháng kể từ ngày 01/02/2008.

Để bảo đảm cho khoản vay trên, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Tâm và bà Nguyễn Thị Thanh đã ký với Ngân hàng Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba (gắn liền với quyền sử dụng đất) số 28/08/TC ngày 20/7/2008 để thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ số 133/11D Lê Văn Thọ, phường 11, quận GV, thành phố HCM (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 70125130493B, hồ sơ gốc số 12717/2003 do UBND quận GV, thành phố HCM cấp ngày 01/10/2003; trị giá tài sản bảo đảm là 3.170.000.000 đồng (theo Biên bản xác định giá trị tài sản bảo đảm ngày 01/02/2008 và Biên bản xác định giá trị tài sản bảo đảm ngày 20/7/2008 -BL 110, 111). Hợp đồng thế chấp này được Phòng công chứng số 1, thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận ngày 20 và 21/7/2008 và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Gò Vấp chứng nhận ngày 22/7/2008.

Do Công ty TNHH Hoàng Phi vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Phi phải trả số tiền 3.237.375.000 đồng (gồm nợ gốc 2.000.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.237.375.000 đồng). Trường hợp Công ty TNHH Hoàng Phi không trả được nợ, Ngân hàng đề nghị Tòa án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 10/2011/KDTM-ST ngày 18/4/2011, TAND tỉnh GL quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng NN và PTNT VN. Buộc Công ty TNHH Hoàng Phi phải thanh toán cho Ngân hàng NN và PTNT VN thông qua Chi nhánh YĐ, tỉnh GL khoản tiền nợ của Hợp đồng tín dụng số 32/08/HĐTD ngày 01/02/2008 với tổng số tiền là 3.237.375.000 đồng. (trong đó nợ gốc: 2.000.000.000 đồng, nợ lãi tiền vay trong hạn và nợ lãi (phạt) quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 18/4/2011 là 1.237.375.000 đồng).

Trường hợp Công ty TNHH Hoàng Phi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trên thì nguyên đơn là Ngân hàng NN và PTNT VN có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh GL phát mãi tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 133/11D Lê Văn Thọ, phường 11, quận GV, thành phố HCM theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 70125130493B, hồ sơ gốc số 12717/2003CN/CH do Ủy ban nhân dân quận GV, thành phố HCM cấp ngày 01/10/2003 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Trọng Tâm và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh đã thế chấp tại Hợp đồng số 28/08/TC ngày 20/7/2008… để thu hồi nợ.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 61/2011/KDTM-PT ngày 31/8/2011, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại ĐN quyết định: Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2011/KDTM-ST ngày 18/4/2011 của TAND tỉnh GL; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh GL giải quyết lại vụ án.

Trong vụ kiện này, trong hồ sơ có 02 hợp đồng thế chấp có nội dung, hình thức khác nhau; nội dung công chứng đối với hợp đồng không phù hợp. Phải chăng Cán bộ Ngân hàng đã “đạo diễn” để Hợp đồng thế chấp bảo đảm cho Hợp đồng tín dụng ký từ ngày 01/2/2008. Cách làm này (nếu có) là không minh bạch, đã tự gây khó cho chính ngân hàng, dẫn đến tranh chấp phức tạp và gây khó cho cả cơ quan xét xử. Đối với phần công chứng của công chứng viên ghi không đúng sẽ có thể là đối tượng bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thể bị yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Theo Hợp đồng thế chấp ngày 20/7/2008 (không bị sửa) thể hiện là bên bảo đảm (bà Thanh, ông Tâm) chỉ bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng ký từ sau ngày 20/7/2008. Ngân hàng yêu cầu bên bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng ký trước ngày 20/7/2008 (tức là Hợp đồng tín dụng số 32/08/HĐTD ngày 01/02/2008 ) là không có cơ sở; Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ngân hàng là không đúng.

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 3)