Vấn đề quan tâm

Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam

Nguyễn Cúc 09/04/2025 - 16:33

Bộ Tư pháp cho rằng việc mở rộng chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

quoc-tich-viet-nam-tieng-anh-la-gi-1.jpg
Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó thể hiện định hướng nới lỏng chính sách nhập và trở lại quốc tịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này là cần thiết để thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể quay về đóng góp cho sự phát triển đất nước.

"Chính sách mới kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư, chất xám, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, từ đó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng", theo Bộ Tư pháp.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là đề xuất sửa đổi các điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam theo hướng thông thoáng hơn. Cụ thể, đối với người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, sẽ không cần phải đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ như trước đây.

Đáng chú ý, người xin nhập quốc tịch nếu có cha mẹ hoặc ông bà nội, ngoại là công dân Việt Nam; hoặc có công lao đặc biệt với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được miễn một loạt điều kiện bắt buộc trước đây như: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập với cộng đồng; có nơi thường trú tại Việt Nam; đã thường trú ở Việt Nam tối thiểu 5 năm tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch; và có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam. Những quy định này cho thấy chính sách quốc tịch của Việt Nam đang chuyển hướng theo tinh thần mở, linh hoạt và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Về vấn đề song tịch, dự thảo Luật lần này cũng đánh dấu một bước chuyển lớn khi đề xuất bãi bỏ quy định người được trở lại quốc tịch Việt Nam bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài. Thay vào đó, quyền quy định cụ thể về việc giữ đồng thời hai quốc tịch sẽ được giao cho Chính phủ.

Tuy nhiên, việc giữ quốc tịch nước ngoài đồng thời với quốc tịch Việt Nam sẽ phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là phù hợp với pháp luật của quốc gia mà người đó mang quốc tịch, không xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Đây được xem là bước đi phù hợp trong bối cảnh quốc tế đang có xu hướng nới lỏng quy định về quốc tịch, phản ánh rõ sự thích ứng linh hoạt của pháp luật Việt Nam với các xu thế toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề trở lại quốc tịch Việt Nam, dự thảo Luật lần này cũng đề xuất bãi bỏ toàn bộ 6 trường hợp cụ thể vốn được quy định là điều kiện để người đã mất quốc tịch có thể xin trở lại, bao gồm: hồi hương về Việt Nam; có quan hệ vợ, chồng, cha mẹ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt; có lợi cho Nhà nước; đầu tư tại Việt Nam; hoặc đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Với việc bỏ quy định các trường hợp cụ thể như vậy, tất cả người đã từng có quốc tịch Việt Nam nay có nguyện vọng trở lại đều có thể được xem xét theo quy định chung. Điều này được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi tên điều luật liên quan thành “Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam”, đảm bảo thống nhất với nội dung sửa đổi và phản ánh tinh thần cởi mở, bao trùm hơn.

Bộ Tư pháp cũng đưa ra lý giải thuyết phục cho những đề xuất sửa đổi lần này. Theo đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, xu hướng chính sách quốc tịch của các quốc gia trên thế giới đang ngày càng mở rộng và linh hoạt.

Hiện có khoảng 66 quốc gia không áp dụng nguyên tắc một quốc tịch, và trong số 78 quốc gia có quy định một quốc tịch, thì cũng có đến 27 quốc gia như Áo, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc cho phép công dân có hai quốc tịch trong những trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, theo số liệu do Bộ Tư pháp cung cấp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, và tính đến tháng 3/2025 đã có 229.336 người được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam.

Đáng chú ý, việc một số quốc gia như Cộng hòa Séc, Đức thay đổi chính sách quốc tịch theo hướng cho phép song tịch khiến nhiều người trước đây từng xin thôi quốc tịch Việt Nam nay bày tỏ mong muốn xin trở lại quốc tịch mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài. "Đây là xu thế cần được ghi nhận và phản ánh trong chính sách pháp luật của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự nhất quán trong quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường kết nối với cộng đồng người Việt toàn cầu.", Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam