Ngày 18/1, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu cũng trực tiếp tiến hành kiểm tra vệ sinh ăn toàn thực phẩm tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình sản xuất thực phẩm tại Khu Công nghiệp Nam Thăng Long và một số doanh nghiệp sản xuất mứt Tết truyền thống tại quận Bắc Từ Liêm.
Theo đó, Đoàn đã đến kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm như: Xưởng chế biến nông sản cao cấp Havico (Nhà số 2, Tổ dân phố Đông, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Công ty cổ phần sô-cô-la Belcholat (khu công nghiệp Nam Thăng Long).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo tại Quận Nam Từ Liêm
Trong đợt kiểm tra lần này, Đoàn chủ yếu kiểm tra về quy định sản xuất đóng gói sản phẩm, bao vì nhãn mác và sản phẩm thành phẩm. Qua kiểm tra, chưa phát hiện được vi phạm, các cơ sở xuất trình đầy đủ giấy tờ. Riêng chất lượng các mẫu sản phẩm sẽ được công bố trong vài ngày tới sau khi có kết quả kiểm nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, các cơ sở sản xuất đã tiến bộ hơn trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến theo quy trình cải tiến hơn để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, để phục vụ tốt hơn nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, tập trung toàn lực kiểm tra các mặt hàng dự báo tiêu thụ nhiều dịp Tết như bánh kẹo, mứt, giò chả, thực phẩm tươi sống, bia rượu, phụ gia...
Bộ trưởng cũng đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đồng thời, địa phương cần tăng cường tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về an toàn thực phẩm; về các chứng nhận cần có để sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh…
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, cần phải có sự phối kết hợp giữa các bên đảm bảo thực hiện hiệu quả việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau mỗi kỳ kiểm tra, phải công bố công khai thông tin về các sản phẩm kém chất lượng, công ty có sản phẩm kém chất lượng không đảm bảo trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Năm 2017, tình hình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Thành phố đã thành lập 700 đoàn kiểm tra, qua kiểm tra 6.000 cơ sở phát hiện 1.200 cơ sở vi phạm và đã xử phạt hơn 3 tỷ đồng. |