Vấn đề quan tâm

Bộ Nội vụ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2026

Nguyễn Cúc 18/07/2025 - 11:41

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Dự kiến, nếu được thông qua Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng/tháng

Dự thảo quy định đối tượng áp dụng là: Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo quy định của Bộ luật Lao động (gồm: doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận); các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

18-47-31-08-07-2025-01.-z6784389376229_549babcbb7c8d3f17255d82e6ad90fdd.jpg
Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá công tác tháng 06 và 06 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ công tác 06 tháng cuối năm 2025

Dự thảo đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tăng 7,2% so với mức hiện hành (trùng với phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ). Cụ thể:

Quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 5.310.000 đồng/tháng, vùng II là 4.730.000 đồng/tháng, vùng III là 4.140.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.700.000 đồng/tháng.

Bộ Nội vụ cho biết mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của NLĐ đến hết năm 2026 để cải thiện cho NLĐ. Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho NLĐ, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ, vùng IV là 17.800 đồng/giờ.

Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.

Quy định danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu theo đơn vị hành chính cấp xã mới

Mức lương tối thiểu hiện hành tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện, không còn phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương sau sắp xếp chính quyền 2 cấp từ 1/7/2025. Do vậy, dự thảo đề xuất mới Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV trên cơ sở kế thừa danh mục hiện hành quy định tại Nghị định số 128/2025/NĐ-CP và có sự rà soát, cập nhật theo đề nghị của UBND cấp tỉnh.

Dự thảo Nghị định quy định việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của NSDLĐ như sau:

NSDLĐ hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

NSDLĐ có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

NSDLĐ hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

NSDLĐ hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

NSDLĐ hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, NSDLĐ có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của NSDLĐ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ (bao gồm cả thỏa thuận về chế độ trả lương cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu) so với quy định tại Nghị định này, thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 20 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó 15/18 lần thực hiện điều chỉnh vào ngày 01/01. Những lần điều chỉnh khác thời điểm 01/01 hàng năm đều gắn với những biến động bất thường (mức lương tối thiểu hiện hành được áp dụng từ 01/7/2024, thời điểm điều chỉnh này được đặt trong bối cảnh kinh tế, xã hội sau khi trải qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 và bắt đầu chuyển sang trạng thái phục hồi tốt và có nhiều mặt khởi sắc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2026