Vấn đề quan tâm

Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới trong chế độ quản lý giam giữ

Nguyễn Cúc 24/03/2025 - 18:00

Tại dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về “Chế độ quản lý giam giữ”.

“Chế độ quản lý giam giữ” được quy định tại Chương III (gồm 11 điều: từ Điều 12 đến Điều 22) của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cụ thể, Chương III quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam; quản lý và phân loại giam giữ; chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết.

giamgiuw.png
Ảnh minh họa

So với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Chương III sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sau:

Trách nhiệm thực hiện ngay các công việc khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, riêng đối với một số nhiệm vụ như lập danh chỉ bản, khám sức khỏe sẽ quy định cụ thể thời hạn thực hiện đảm bảo phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói đối với những trường hợp chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Quy định về trước thời điểm tổ chức tiếp nhận mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế theo hướng người đã có lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam bị thương tích, bệnh nặng cần phải điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc đe dọa đến tính mạng của họ thì cơ quan đang thụ lý vụ án áp giải ngay người đó đến cơ sở y tế và phối hợp với cơ sở giam giữ, cơ sở y tế tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý theo quy định.

Quy định về thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và cụ thể các tài liệu hồ sơ kèm theo khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Thẩm quyền của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ của Cảnh sát biển phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người đang bị quản lý, giam giữ tại cơ sở giam giữ được giam giữ chung; bổ sung quy định bố trí theo khu và phân loại đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người bị nhiễm HIV/AIDS và người đang chấp hành án phạt tù.

Quy định về việc áp giải, quản lý và kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất, trong đó đối với trường hợp thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam phục vụ công tác xét xử thì không giao cho cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất mà người này vẫn thuộc quản lý của cơ quan thực hiện nhiệm vụ áp giải.

Những sửa đổi, bổ sung này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam và nâng cao hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới trong chế độ quản lý giam giữ