Baking Vietnam 2019: Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế KDTM

Lan Trần| 21/05/2019 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/5/2019 tới đây, tại Hà Nội, sự kiện Banking Vietnam 2019 sẽ diễn ra với chủ đề“Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt (KDTM) ".

Banking Vietnam là sự kiện công nghệ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức nhằm triển lãm, giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới.

Đồng thời, Banking Vietnam cũng là nơi diễn ra các phiên hội thảo để các lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chuyên gia công nghệ trao đổi về các giải pháp, chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng Nhà nước lựa chọn chủ đề cho Banking Vietnam 2019 là “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt" nhằm đáp ứng sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước, đảm bảo phù hợp với các chủ trương chính sách lớn của ngành trong giai đoạn hiện nay.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên ngày càng phổ biến hơn, nhằm hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt. Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.

Baking Vietnam 2019: Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế KDTM

Trong quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018

Thông tin về kết quả ban đầu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể, cơ sở pháp lý về TTKDTM tiếp tục được hoàn thiện, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản QPPL và các cơ chế, chính sách về hoạt động thanh toán đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; đẩy mạnh TTKDTM; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong Quý 1 năm 2019, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 37,325 triệu giao dịch tương ứng với giá trị 20.691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018).

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; đến cuối tháng 3/2019, trên toàn quốc có 18.668 ATM và 261.705 POS; POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong Quý I năm 2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ.

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong Quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. Các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

TTKDTM trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Tính đến nay, hệ thống IBPS đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 KBNN cấp tỉnh; đã có khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố.

Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ công nói riêng; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; chỉ đạo triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH), qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, liên tục, phục vụ TTKDTM trong dân cư.

Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)...; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Baking Vietnam 2019: Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế KDTM