Bài toàn vận hành phố đi bộ ở Thủ đô

Kim Truyền| 04/05/2022 17:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với việc Hà Nội mở hàng loạt tuyến phố đi bộ trong thời gian qua và những kiến nghị mở thêm nhiều tuyến phố của một số quận, huyện đã khiến nhiều người băn khoăn cho sự hiệu quả mà những tuyến phố này mang lại.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Thưa ông, với việc Hà Nội mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ tại các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây… ông có đánh giá như nào về chủ trương này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá cao chủ trương của Hà Nội trong việc mở thêm những tuyến phố đi bộ nói riêng, tạo thêm các sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân nói chung. Chúng ta đã đều quen với phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Việc mở rộng thêm các phố đi bộ chứng minh rằng mô hình phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đã thành công và có thể được nhân rộng. Một số các tỉnh thành cũng hình thành phố đi bộ để tạo thêm một hình thức sinh hoạt văn hóa cho người dân và dần hình thành một nền kinh tế ban đêm chuyên nghiệp hơn. Việc có thêm các phố đi bộ giúp cho người dân có thêm các địa điểm giải trí, giúp củng cố thương hiệu thành phố đáng sống, nhưng quan trọng hơn là giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin vào việc đã vượt qua được dịch bệnh Covid-19.

hs.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn

PV: Thực tế Hà Nội đã có những tuyến phố đi bộ rất thành công như phố đi bộ Hoàn Kiếm nhưng cũng có tuyến bố đi bộ cho đến nay chưa được như kỳ vọng đó là phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Vậy theo ông vì sao hai tuyến phố trên phố thì thì rất thành công? Còn phố thì lại thất bại?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một trường hợp cụ thể. Cũng không thể lấy sự thất bại của một trường hợp mà phủ nhận sự thành công của cả một mô hình. Tôi nghĩ rằng thước đo quan trọng nhất là nhu cầu của công chúng. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, người dân mong muốn có thêm những hình thức giải trí ban đêm. Vì vậy, đáp ứng nguyên vọng của người dân một cách phù hợp sẽ giúp cho việc hình thành các phố đi bộ trở nên hợp lý và khả thi hơn. Vấn đề ở đây có thể là, chúng ta không thể bê nguyên xi 100% một mô hình phố đi bộ để áp dụng cho các trường hợp khác nhau. Mỗi phố đi bộ cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng của mình. Những nhà tổ chức phố đi bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu công chúng, lợi ích của các bên liên quan trong việc mở ra phố đi bộ, tìm ra những cách làm sáng tạo, huy động được sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, để tạo ra các phố đi bộ thực sự thu hút công chúng. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường, sân chơi và luật chơi phù hợp cho các phố đi bộ, các tổ chức kinh doanh, đơn vị giải trí và cá nhân sẽ là người tạo ra tính hấp dẫn cho các phố đi bộ này.

PV: Phải chăng do những điều kiện về vị trí từ những yếu tố khách quan, chủ quan quyết định đến sự thành công của phố đi bộ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ điều đó đúng. Không phải ngẫu nhiên chúng ta lựa chọn khu vực hồ Hoàn Kiếm để thực hiện phố đi bộ đầu tiên: cảnh quan đẹp ở vị trí trung tâm kết hợp với hệ thống các phố ẩm thực, trung tâm mua bán phố cổ... Ngay từ khâu đầu tiên là vị trí của phố đi bộ là quyết định khả năng thành công, và đây cũng là bài học cho các phố đi bộ khác. Sự hưởng ứng của người dân với một sản phẩm du lịch mới cộng hưởng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã tạo ra sự thành công cho phố đi bộ đầu tiên. Tuy nhiên, các khu phố đi bộ sau sẽ khó có thể có được những lợi thế này. Họ sẽ phải đi tìm những lợi thế khác để tạo ra những phố đi bộ thành công.

2.jpg
Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

PV: Từ việc chưa hiệu quả của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, theo ông, việc Hà Nội mở thêm các tuyến phố đi bộ liệu có phù hợp?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Sự không thành công của phố đi bộ Trịnh Công Sơn là một cảnh báo cho việc mở thêm các phố đi bộ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có những nhu cầu rất lớn đối với các phố đi bộ khi nền kinh tế ban đêm dần phát triển, người dân cũng mong muốn có thêm những địa điểm giải trí, các hộ kinh doanh, tổ chức văn hóa nghệ thuật cũng thực sự muốn có thêm cơ hội ở những địa điểm này. Vấn đề của chúng ta là làm sao để có được các phương án khả thi và bền vững cho các phố đi bộ.

PV: Dưới góc nhìn của chuyên gia văn hóa, theo ông những tuyến phố đi bộ sắp tới cần phải làm gì để giải bài toàn vận hành cho thành công?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ chúng ta cần có những nghiên cứu cẩn thận trước khi vận hành một khu vực phố đi bộ. Việc nghiên cứu này cần tính toán đến khả năng thu hút công chúng, đặc biệt là khách du lịch, thời gian, nội dung của các hoạt động, khả năng và lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh, tổ chức văn hóa nghệ thuật, tính hấp dẫn riêng của phố đi bộ mới. Làm được như thế, chúng ta có thể có được những phố đi bộ thành công, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân, quảng bá hình ảnh đẹp đẽ, đáng sống, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toàn vận hành phố đi bộ ở Thủ đô