Bắc Kạn khẳng định vị thế là vùng đất anh hùng, nơi hội tụ truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đặc sắc.
Ngày 8/4/2025, tỉnh Bắc Kạn long trọng tổ chức Lễ gặp mặt kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Buổi lễ là dịp quan trọng để ôn lại truyền thống cách mạng, ghi nhận những nỗ lực đổi thay và phát triển không ngừng của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng giàu bản lĩnh.
Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Sau buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bắc Kạn.
Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn báo cáo với Phó Chủ tịch nước về tình hình thực tế của tỉnh Bắc Kạn trước khi sáp nhập.
Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao về tinh gọn và sắp xếp bộ máy, sẵn sàng các điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt tỉnh luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận sự nỗ lực, những kết quả trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn thời gian qua. Phó Chủ tịch nước chia sẻ với những khó khăn của hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Mong rằng khi nhập về cùng một nhà hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Thái Nguyên với những thế mạnh riêng sẽ hỗ trợ Bắc Kạn phát triển nhanh theo kịp đà phát triển chung của đất nước.
Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn từ thực tế cụ thể sinh động trong quá trình triển khai thực hiện, hai tỉnh góp ý cho đề án chung của Trung ương về những nội dung chưa hợp lý, nhằm đưa đề án sát với thực tiễn nhất, góp phần cho đề án khi được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
Trải qua 125 năm hình thành, Bắc Kạn từng nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập và tái lập. Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Kạn đã từng bước vượt qua những hạn chế của một tỉnh có xuất phát điểm thấp: giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 7 huyện), 108 đơn vị hành chính cấp xã. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn, tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể được hoàn thành đưa vào sử dụng và sắp tới là tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vừa khởi công.
Kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, năm 2024, thu ngân sách đạt hơn 930 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 1997-2024 đạt 7,6%/năm. Các lĩnh vực trọng tâm như nông - lâm nghiệp, du lịch sinh thái, sản phẩm OCOP đang trở thành trụ cột kinh tế mới.
Bắc Kạn xác định hướng đi lâu dài là phát triển xanh - bền vững, gắn với bảo vệ rừng và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Là tỉnh có độ che phủ rừng cao (trên 72%), Bắc Kạn đang đẩy mạnh kinh tế rừng, nông - lâm nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc sản như miến dong Na Rì, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, tinh bột nghệ… Toàn tỉnh hiện có 245 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 5 sao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả ấn tượng. Đến hết năm 2024, Bắc Kạn có 32 xã và 74 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.