Gian nan cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao

Phương Trung| 01/08/2014 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xuất hiện khá rầm rộ và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc xử lý đối với loại tội phạm còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng

Ngày 14/7, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra hành chính ngôi nhà số 158 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, câu lưu làm việc với 26 người mang quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc gồm 17 nam và 9 nữ vì có hoạt động sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông để hoạt động lừa đảo người nước ngoài. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục để trục xuất nhóm người này.

Ngày 28/7 TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Lê Nguyên Thắng, Nguyễn Hữu Thoại án tù chung thân, Hà Văn Tiến lĩnh 13 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Gian nan cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao

Các bị cáo trong vụ dùng thẻ tín dụng giả rút 13 tỷ đồng

Theo cáo trạng, Xu Guo Tong (28 tuổi) và Lu Shu (cùng quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh Việt Nam để tìm cách móc nối sử dụng thẻ tín dụng giả. Tháng 6/2012, Lu Shu được Nguyễn Hữu Thoại (53 tuổi) giới thiệu với Lê Nguyên Thắng (51 tuổi, chủ cửa hàng vàng bạc ở phố Lạc Chính, Hà Nội). Qua người phiên dịch Hà Văn Tiến (32 tuổi), Thoại, Thắng và Lu Shu bàn việc lắp đặt máy POS tại cửa hàng để quẹt thẻ thanh toán khống, đem chứng từ đến ngân hàng lĩnh tiền chia nhau. Tuy nhiên, Lu Shu sau đó để Xu Guo Tong thực hiện thay. Theo thoả thuận, Xu Guo Tong được nhận 40%, Thoại 40%, Tiến 5%, Thắng 15%. Khi máy POS được lắp đặt, Xu Guo Tong làm giả hàng loạt thẻ tín dụng để quẹt. Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 14/6/2013, Xu Guo Tong và Tiến, Thắng, Thoại đã thực hiện hơn 300 giao dịch, rút khoảng 13,5 tỷ đồng của một ngân hàng lớn. Lu Shu, Xu Guo Tong sau đó bỏ trốn.

Trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xuất hiện khá rầm rộ và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Ở Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xuất hiện từ năm 1998, với những vụ trộm cắp cước viễn thông. Theo thời gian, số lượng và mức độ của loại tội phạm này ngày càng tăng. Năm 2010, năm đầu tiên thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện và xử lý 75 vụ việc.  Năm 2011 phát hiện 128 vụ việc.  Năm 2012 phát hiện 261 đầu mối vụ án, vụ việc, tăng 133 vụ (103%). Thiệt hại trong năm 2012 là hơn 2.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy tội phạm sử dụng Công nghệ cao tiếp tục tăng, qua đó cho thấy tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam cùng xu hướng với sự phát triển của loại tội phạm này ở phạm vi thế giới.

Khó khăn trong xử lý

Mặc dù xảy ra nhiều, thiệt hại lớn nhưng kết quả đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn hạn chế. Về góc độ pháp lý, các hành vi phạm tội về công nghệ cao chủ yếu được thực hiện trên môi trường mạng internet, những dữ liệu điện tử chứng minh hành vi phạm tội chưa được xem là chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là vướng mắc rất cơ bản, gây nhiều khó khăn cho lực lượng Công an trong xử lý các vụ án sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra còn phải kể đến quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh này cần phải bị xử lý hành chính trước, nếu tái phạm mới bị xử lý hình sự đã làm cho điều luật không đủ tính răn đe.

Đối tượng phạm tội thường là người nước ngoài. Có nhiều vụ án có tổ chức mà đối tượng tội phạm là người nước ngoài, cư trú ở nước ngoài, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng trong nước để thực hiện tội phạm. Do vậy, trong quá trình điều tra đã gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, về áp dụng các quy định pháp luật đối với người nước ngoài và ảnh hưởng của vấn đề Hỗ trợ tư pháp với các nước nên mức xử lý đối với người nước ngoài thường không cao, chủ yếu dùng hình thức trục xuất. Dấu vết, chứng cứ phạm tội rất dễ bị tiêu hủy. Các đối tượng này sử dụng mạng internet làm phương tiện phạm tội. Do đó, hầu hết các tài liệu chứng cứ của tội phạm này là các file lưu trữ trên máy tính, trên mạng. Khi bị phát hiện, tội phạm có thể xoá, sửa nhanh chóng để tiêu huỷ nên rất khó thu thập chứng cứ.

Điển hình như vụ án Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng phạm xâm nhập vào website bán hàng trực tuyến ở nước ngoài lấy thông tin thẻ tín dụng của khách rồi in vào thẻ ATM giả. Từ đó, nhóm này đã rút tổng cộng hơn 1,6 tỉ đồng từ các máy ATM của Ngân hàng V. Vướng mắc của vụ này là lần theo thông tin trên các thẻ ATM giả, cơ quan điều tra không xác định được cá nhân, tập thể nào là nạn nhân của vụ án. Hành vi của các bị can có dấu hiệu trộm cắp nhưng nếu không xác định được người bị hại thì liệu đã thỏa mãn cấu thành tội phạm? Liên ngành tố tụng trung ương đã trao đổi và TANDTC có văn bản nhận định: Việc chưa xác định được nạn nhân không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án nên truy tố các bị cáo về tội trộm cắp là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Từ đó, hai cấp tòa sơ và phúc thẩm đã xét xử Tuấn và đồng phạm về tội trộm cắp, đồng thời tuyên sung công quỹ hơn 1,6 tỉ đồng do không xác định được nạn nhân.

Tại một hội nghị tập huấn mới đây, TANDTC nêu ra thực trạng trình độ của cán bộ tố tụng và trang thiết bị của các cơ quan pháp luật còn chưa được trang bị đầy đủ và phù hợp để xử lý các loại án này. Trong khi đây là loại tội phạm mới xuất hiện ở Việt Nam, rất phức tạp, các hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này thường rất khó phát hiện, đòi hỏi điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin.

Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về xử lý đối với tội phạm công nghệ cao, ngày 10/9/2012, liên ngành Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Thông tin và Truyền thông - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao đã ký Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Bên cạnh đó, ngày 7/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Cùng với sự ra đời của Nghị định số 25/2014/NĐ-CP, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần hoàn thiện quy định về chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể bổ sung, thừa nhận loại chứng cứ là dữ liệu điện tử, hình ảnh và phim ảnh có độ xác thực được chứng minh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao