Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Hương Lan| 11/12/2015 08:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần một năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.

Bất cập trong quản lý lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được thực hiện sang đến năm thứ 7 và gần 1 năm đầu tiên thực hiện theo Luật Việc làm. Theo quy định của Luật Việc làm, các chính sách BHTN có nhiều điểm mới so với trước đây. Tính đến 18/11/2015, sau khoảng 11 tháng triển khai chế độ BHTN theo Luật Việc làm, đã có gần 480.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó có trên 86% số người đã được tư vấn giới thiệu việc làm; có gần 22.400 người được hỗ trợ nghề. Các con số này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai cho thấy, việc thực hiện chính sách này còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan tới việc quản lý lao động.

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), khó khăn đầu tiên là nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về các quy định trong chính sách BHTN vẫn còn hạn chế, đặc biệt về tính nhân văn của chính sách. Nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BHTN, đặc biệt ở những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin. Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách bảo hiểm, người chủ sử dụng lao động và các cơ quan tổ chức phải sử dụng tốt các chính sách pháp luật khác có liên quan, đặc biệt về hợp đồng lao động.

Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp

Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, công tác quản lý lao động hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp bởi quản lý biến động lao động chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, dù kinh tế năm 2015 có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, chậm đóng và nợ đọng BHTN nên không chốt được sổ BHTN, gây ảnh hưởng đến  triển khai công tác, xác định đối tượng BHTN, ảnh hưởng đến lợi ích người lao động.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các trung tâm giới thiệu việc làm (nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN) với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương còn hạn chế, gây ra tình trạng ách tắc hồ sơ và nhiều vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, nhiều người lao động vẫn phàn nàn về việc thủ tục đăng ký tham gia BHTN còn rườm rà. Theo quy định, hàng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm nếu không sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp cũng gây khó khăn cho người lao động trong việc đi lại. Luật Việc làm cũng quy định nếu hai lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng, thì người lao động cũng bị cắt trợ cấp thất nghiệp...

Thay đổi nhận thức của người lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để giải quyết khó khăn, vướng mắc, điều cần làm ngay là cơ quan Bảo hiểm xã hội và Trung tâm dịch vụ việc làm phải sớm kết nối dữ liệu thông tin. Cần có một hệ thống thông tin thông suốt để việc đối chiếu hồ sơ được diễn ra nhanh và chính xác nhất, tránh tình trạng gian lận gây mất công bằng xã hội. Một giải pháp khác cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người lao động, hạn chế người lao động "nhảy việc".

Về vấn đề hàng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Trung cho rằng, đây không phải là quy định riêng của Việt Nam mà của tất cả các nước thực hiện BHTN. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, Cục đã bổ sung thêm 5 trường hợp đang hưởng trợ cấp nhưng không phải đến thông báo hằng tháng về tình trạng việc làm gồm: Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên; những người bị ốm đau dài ngày phải điều trị có xác nhận của cơ quan y tế; những người tham gia khóa học nghề từ 3 tháng trở lên; những người nghỉ theo chế độ thai sản; những người giao kết hợp đồng dưới 3 tháng. Ngoài ra, trong thông tư cũng quy định thêm 3 trường hợp không phải thông báo trực tiếp mà có thể gửi đến đó là: Trường hợp bị tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai; bố mẹ, vợ chồng, con cái bị mất... Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết, để chính sách đi vào cuộc sống, Cục Việc làm sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, lắng nghe các phản hồi từ phía chủ sử dụng lao động và người lao động phản hồi về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để xây dựng các quy định tạo thuận lợi nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động để người lao động thấy rõ lợi ích của bản thân khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đôn đốc đơn vị nơi làm việc chấp hành đúng quy định của Luật Việc làm.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi, vi phạm trục lợi; giải quyết BHTN theo phương châm “3 đúng”; đẩy mạnh giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề và có các biện pháp hạn chế sa thải người lao động của các doanh nghiệp...

Theo thống kê tỷ lệ thất nghiệp, trong quý I/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ