Chưa trả nhà công vụ không thể gọi là tham nhũng

Ngọc Mai| 01/11/2014 09:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận ngày 31/10, có ý kiến ĐBQH bức xúc về việc nhiều biệt thự, nhà công vụ đang bị sử dụng sai mục đích, gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ vấn đề này.

Nhà công vụ sử dụng sai mục đích, gây thất thoát lớn

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ĐBQH Lê Như Tiến nêu ý kiến: Nhà công vụ, biệt thự công là tài sản công, tài sản nhà nước, tài sản quốc gia, được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định.

Chưa trả nhà công vụ không thể gọi là tham nhũng

Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu trước Quốc hội

Trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã rất gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, hoặc nhà công vụ ngay sau khi thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Song, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, khi không còn giữ chức vụ nữa, tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn mà “quên” trả lại nhà công vụ. Thực chất đã cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ. Có người tuy không ở, nhưng “lỡ” mang theo cả chìa khóa nhà công vụ về địa phương để thụ hưởng biệt thự, mà các doanh nghiệp đàn em xây sẵn ở quê nhà. Có người cho con cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế “ở nhờ giữ hộ”. Có người còn “thông minh” hơn, cho thuê nhà công vụ để hàng tháng đều đặn lĩnh thêm một khoản tiền “trời cho”, lớn hơn gấp nhiều lần tiền lương.

Vô hình trung, chính sách nhà công vụ của chúng ta đã tạo ra sự bất bình đẳng, bất công bằng giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhau, giữa cán bộ lãnh đạo quản lý ở Trung ương và địa phương trong hệ thống chính trị. Trong khi đó, nhà công vụ, biệt thự công thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa, trên những mảnh đất vàng, đất ngọc, mỗi mét vuông trị giá hàng trăm triệu đồng…

ĐB Tiến cho rằng, nếu Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất, hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê, sẽ ngày ngày “đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước.

Trước thực tế đó, ĐB Tiến đề xuất, nên đưa vào BLHS tội danh mới là, tham nhũng nhà công vụ. “Chúng ta lên án và xử lý nghiêm khắc những cán bộ nhận lót tay vài trăm ngàn, vài triệu đồng nhưng từ trước đến nay ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng. Tôi tán thành với quan điểm cho rằng, cán bộ quản lý là tài sản của quốc gia, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt, tuy nhiên, nhà công vụ cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác”, ông Tiến nói.

Nên nhìn nhận dưới góc độ ý thức

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nên nhìn nhận dưới góc độ ý thức. Cán bộ nghỉ hưu chưa trả nhà, có thể do Nhà nước chưa thu, nên không thể nói người ta chiếm đoạt, tham nhũng được.

Chưa trả nhà công vụ không thể gọi là tham nhũng

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

“Nhà ở công vụ hiện nay số lượng rất lớn. Chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các công chức, viên chức được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ nhưng không có điều kiện, khả năng mua nhà mới có chỗ ở trong thời gian công tác. Có cả những bác sĩ, giáo viên, quân nhân… khi đến vùng sâu, vùng xa, họ phải có nhà để ở, ổn định cuộc sống. Quá trình thực hiện chính sách thì đa số thực hiện đúng, nhưng cũng có một số trường hợp chưa thực hiện đúng như ĐBQH đã nêu, thì cần phải sớm khắc phục ngay”, Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được Bộ trưởng lý giải, có thực tế là những chính sách, quy định pháp luật về nhà ở công vụ thời gian qua chưa đầy đủ, cụ thể. Thậm chí, Luật Nhà ở năm 2005 quy định chưa rõ về đối tượng, giá thuê, thời hạn sử dụng… Nhà công vụ do rất nhiều cơ quan quản lý. Ở Trung ương thì do các Bộ, ngành quản lý. Ở địa phương nơi thì các Sở, nơi thì các cơ quan tự quản lý…

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng mới được giao quản lý nhà công vụ và cũng chỉ quản lý 180 nhà công vụ, số lượng bằng 1,4% tổng số nhà công vụ cả nước. Chính phủ đã thấy những thực trạng, nguyên nhân tình hình quản lý nhà ở công vụ có nơi chưa tốt. Có tình trạng người đã hết thời gian công tác, có nhà rồi nhưng không trả lại nhà. Đây là lỗ hổng pháp luật cần phải có quy định.

Trên thực tế, năm 2013, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Bộ Xây dựng cũng ban hành thông tư quy định, tiêu chuẩn về đối tượng, nhà ở để hướng dẫn các địa phương thực hiện, có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Với các chủ nhà không còn công tác nữa, nhưng vẫn không giao nhà, thì chúng tôi có công văn yêu cầu họ phải trả lại nhà cho nhà nước.

Điều cần làm nữa là giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức sau khi họ trả nhà công vụ rồi. Tại kỳ họp Quốc hội này, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị  trong Luật Nhà ở (sửa đổi) có một chương quy định về nhà công vụ.

Theo đó, sau khi trả nhà công vụ thì cán bộ, công chức, viên chức… nếu có nhu cầu sẽ được giải quyết mua nhà ở xã hội. Nhưng nhà ở xã hội ở đây tiêu chuẩn phải mở rộng, nâng cao cho nhiều đối tượng khác nhau. Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về đối tượng, loại nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của nhà nước để các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở, thì được mua loại nhà này để đảm bảo công bằng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là 1.603.498 m2, trong đó, có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa trả nhà công vụ không thể gọi là tham nhũng