Chỉ nên cấp Thẻ nhà báo cho những người có hoạt động báo chí trực tiếp

Quốc Huy| 25/07/2015 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là phát biểu đáng chú ý của chuyên gia tại buổi thẩm định dự thảo Luật Báo chí mới đây.

Tại buổi họp, Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Báo chí mới thay thế Luật Báo chí hiện hành để đáp ứng yêu cầu về quản lý và hoạt động báo chí trong tình hình mới.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, do có những trường hợp chọn phóng viên thường trú tùy tiện làm ảnh hưởng đến uy tín và cả chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí nên dự thảo Luật Báo chí quy định phóng viên thường trú độc lập phải có Thẻ nhà báo.

Chỉ nên cấp Thẻ nhà báo cho những người có hoạt động báo chí trực tiếp

Quang cảnh buổi họp thẩm định Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi

Liên quan đến “Thẻ nhà báo”, bà Vũ Thị Bích Hằng - Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ đề nghị có quy định chính thức hóa đối với các phóng viên đã được cơ quan báo chí tiếp nhận chính thức, không để “giai đoạn phải dùng giấy giới thiệu” vì chưa đủ điều kiện được cấp Thẻ nhà báo (3 năm đầu). Theo bà Hằng, đây là “khoảng trống” khó xử lý trên thực tế, thậm chí thẩm quyền cấp giấy giới thiệu bị “lợi dụng” gây khó khăn và lộn xộn trong hoạt động báo chí.

Bà Lê Thị Phương Nam - Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề xuất, chỉ nên cấp Thẻ nhà báo cho những người “có hoạt động báo chí trực tiếp” chứ không phải những người chỉ liên quan đến hoạt động báo chí như một số đối tượng được đề cập trong dự thảo (giảng dạy, quản lý…). Do đó, cần hạn chế một số đối tượng được cấp Thẻ nhà báo.

Khắc phục tình trạng cơ quan chủ quản không chịu trách  nhiệm về sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản và người được phân công phụ trách cơ quan báo chí để vai trò của cơ quan chủ quản đối với chất lượng của hoạt động báo chí không còn mờ nhạt như hiện nay.

Thuyết minh về quy định ”họp báo” trong dự thảo Luật, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mọi hoạt động họp báo đều phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước và được chấp thuận bằng văn bản. Hiện quy định "cơ quan, tổ chức, công dân muốn họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 12 giờ của ngày làm việc tính đến thời điểm dự định họp báo” đã bị ”lách” bằng cách gửi văn bản thông báo lúc 17 giờ hôm trước và giờ họp báo là 5h hôm sau nên cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không có ”cơ hội” để thể hiện sự chấp thuận. Do vậy, dự thảo Luật quy định kéo dài thời gian thông báo họp báo là 24 giờ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, dự thảo Luật thể hiện rõ quan điểm ”không có báo chí tư nhân” nhưng cho phép liên kết với các cơ quan báo chí khác, các cá nhân, pháp nhân được phép hoạt động phù hợp với lĩnh vực liên kết.

Nhưng dự thảo Luật không cho phép liên kết để sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình thời sự - chính trị, chính luận. Đồng thời quy định khống chế thời lượng liên kết trong kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp; khống chế số lượng kênh có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong hoạt động báo chí, việc liên kết đã được thực hiện dưới các hình thức khác nhau. Thực tiễn phát triển nhanh chóng của báo chí, nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng và sự tham gia của các nguồn lực trong hoạt động truyền thông cho thấy, việc liên kết trong hoạt động báo chí cần được quy định cụ thể trong Luật này. Liên kết là để mở cho các cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia hoạt động báo chí. Việc quy định này nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ nên cấp Thẻ nhà báo cho những người có hoạt động báo chí trực tiếp