Không tạo cơ chế “xin-cho” trong tiếp cận thông tin

Quang Vũ| 14/11/2015 20:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 14/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật tiếp cận thông tin và Dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn nữa trong các dự án luật về những nội dung về phạm vi điều chỉnh, chủ thể tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin, những điều cấm khi thông tin trên báo chí… để nâng cao tính khả thi của các dự án Luật sau khi ban hành; đồng thời đảm bảo thể chế hóa đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Xây dựng thư viện hoạt động của cơ quan Nhà nước

Dự án Luật Tiếp cận thông tin được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh, chủ thể có quyền tiếp cận, chủ thể cung cấp thông tin và biện pháp đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.

Không tạo cơ chế “xin-cho” trong tiếp cận thông tin

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu ý kiến. 

Băn khoăn về mức độ khả thi của Dự án luật Tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo nên xây dựng theo hướng đảm bảo việc tiếp cận thông tin thông qua bộ máy Nhà nước là phù hợp với luật này. Không đồng tình với quan điểm loại trừ một số tài liệu ngoài danh mục các tài liệu được tiếp cận thông tin như trong dự thảo Luật, đại biểu Quyền chỉ rõ, những loại tài liệu như: Tài liệu kiểm toán, thanh tra, thông tin tài liệu hồ sơ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, theo luật đều là những loại hình hoạt động công khai và đây cũng là các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Nếu giữ nguyên như dự thảo, để quy định điều chỉnh về các loại văn bản này trong các luật khác là không phù hợp, bởi thực tế các luật tố tụng hình sự, luật thanh tra đều không quy định về vấn đề công khai các loại tài liệu này. 

Không nhất trí về chủ thể tiếp cận thông tin như dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không thể chỉ quy định gói gọn là công dân mà phải là bất kể chủ thể nào; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã miễn là không làm phương hại đến các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ. 

Đề xuất một triết lý khi xây dựng dự án luật tiến bộ này, đại biểu Quyền kiến nghị cần phát triển theo hướng công khai, minh bạch thông tin. 

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cần phải xuất phát từ tình khả thi ở phía cơ quan Nhà nước và năng lực tiếp cận thông tin của người tiếp cận chứ Nhà nước không thể đảm bảo được”, đại biểu khẳng định. Mở rộng lập luận của mình, đại biểu Quyền nhấn mạnh, không nên tạo ra cơ chế “xin - cho” trong việc tiếp cận thông tin giữa chủ thể có nhu cầu tiếp cận thông tin với chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, bởi cơ quan Nhà nước không thể đủ năng lực đáp ứng quá nhiều yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin. Với phân tích này, đại biểu Quyền đề nghị nên xây dựng luật theo hướng tất cả các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu tất cả mọi hoạt động và công khai minh bạch để mọi chủ thể có thể tiếp cận, khai thác, copy, chụp ảnh, sử dụng dễ dàng. 

Tán thành những phân tích của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, xây dựng và ban hành Dự án Luật Tiếp cận thông tin thực sự là một bước tiến mới trong việc đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Song, đại biểu cũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ trong luật về các nội dung loại trừ mà người dân không được tiếp cận thông tin như các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia…để người dân biết. 

Không tạo cơ chế “xin-cho” trong tiếp cận thông tin

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Quan tâm đến những quy trình về phương thức lấy thông tin, nữ đại biểu Bùi Thị An mong muốn dự thảo cần có quy định cụ thể về tiến độ cung cấp, đồng thời cũng cần xây dựng chế tài xử lý việc trì hoãn cung cấp thông tin của chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. 

Khẳng định quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, thực tế hiện nay quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn hạn chế. Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền của mình theo Hiến pháp. 

Phân tích về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu Nguyệt Hường kiến nghị cần phải bổ sung chủ thể tiếp cận thông tin bao gồm cả các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp. Nhấn mạnh nhà báo, cơ quan báo chí là những đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin rất lớn để xác minh sự thật của các vụ việc, sự kiện, bởi vậy, cần bổ sung cả đối tượng Nhà báo, cơ quan báo chí vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật bởi trước hết, mỗi nhà báo cũng là một công dân. 

Bảo đảm hoạt động tác nghiệp của Nhà báo 

Dự án Luật Báo chí sửa đổi nhận được nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; đối tượng thành lập báo chí và những điều cấm thông tin trên báo chí. Các ý kiến cũng bày tỏ ủng hộ, tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí theo hướng tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013; xây dựng các cơ quan báo chí ngoài trách nhiệm lớn lao là diễn đàn, cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, báo chí còn phải có trách nhiệm xây dựng xã hội tốt đẹp, xây dựng đất nước ngày một phát triển. 

“Nhà nước cần có cơ chế xử lý nghiêm minh, đảm bảo quyền hoạt động tác nghiệp của Nhà báo. Nhà báo là ngành nghề lao động rất vất vả và đầy rủi ro, lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã nêu quan điểm như vậy khi góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. 

Viện dẫn một thực tế của yêu cầu quy định về việc bảo vệ cho hoạt động tác nghiệp của các nhà báo ngay trong dự thảo luật lần này, đại biểu Khánh nhấn mạnh, nhiều nhà báo thực hành đúng trách nhiệm, quy định của pháp luật nhưng vẫn bị nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, thậm chí bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. 

Góp ý về quy định những nội dung và hành vi bị cấm thông tin trên báo chí, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị dự thảo cần bổ sung vào điều khoản cấm đăng tải những bài báo có tính bạo lực, kích động chém giết; hạn chế những thông tin tuyên truyền cổ súy hành vi dâm ô kích dục, thông tin chém giết, gây đổ máu, những vụ án rùng rợn, dã man, tàn bạo gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, tạo sự sợ hãi cho người dân. Ngoài ra, cũng theo đại biểu Khánh, dự thảo nên quy định cụ thể hơn, hạn chế việc thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan. “Báo chí cũng không nên thông tin về những vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp chưa rõ đúng sai bởi thông tin như vậy sẽ vô tình khích lệ những hành vi vi phạm pháp luật”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói. 

Ủng hộ quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí, đại biểu Khánh tán thành đề xuất trong dự thảo: mọi công dân có quyền gửi tin, bài ảnh cho báo chí, nhưng bày tỏ thái độ không tán thành với quy định “mà không chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ tổ chức cá nhân nào”với lý do xây dựng luật như vậy dễn dẫn đến nguy cơ lợi dụng dân chủ xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, đại biểu kiến nghị. 

Buổi thảo luận cũng ghi nhận những ý kiến đồng tình của các đại biểu Quốc hội về việc sửa đổi Luật Báo chí trước bối cảnh bùng nổ quá nhiều tờ báo, tạp chí được ra đời và bên cạnh những bài báo có thông tin chất lượng tốt còn có nhiều nhiều bài báo chất lượng thông tin kém, gây phản cảm trong xã hội. Các đại biểu cũng tán thành việc sắp xếp lại đầu mối chủ quản của các cơ quan báo chí theo hướng vẫn đảm bảo quản lý về mặt Nhà nước nhưng không hạn chế quyền tự do báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tạo cơ chế “xin-cho” trong tiếp cận thông tin