Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

PV| 20/09/2016 21:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối tượng trợ giúp pháp lý, việc cấp thẻ pháp lý hay xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là những vấn đề được các ĐB quan tâm thảo luận tại Phiên họp thứ 3 của UBTVQH, diễn chiều 20/9 khi cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Tờ trình về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày cho thấy, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. Trong 9 năm triển khai thi hành Luật, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai Luật, hoạt động TGPL đã bộc lộ một số tồn tại, đối tượng được TGPL chưa đầy đủ. Quy định về đối tượng được TGPL chưa bảo đảm tính hợp lý, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau. Hoạt động TGPL với bản chất là giúp đỡ các đối tượng yếu thế giải quyết các vụ việc cụ thể khi họ phải đối mặt với pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng các hình thức như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tư vấn tiền tố tụng là những yêu cầu thiết thực và đúng bản chất của TGPL thì còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn. Chất lượng dịch vụ TGPL chưa được xã hội đánh giá cao, chưa ngang bằng với dịch vụ pháp lý có thu phí do luật sư cung cấp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho thấy, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật TGPL như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Không nên thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý

Theo tờ trình của Chính phủ dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) bổ sung một số người được trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành. Song, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, không thống nhất và thực chất là thu hẹp hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với các luật hiện hành.

Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật. Ảnh Quốc hội    

Dự thảo Luật chỉ quy định lựa chọn một số nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị buộc tội, nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, các Luật người khuyết tật 2010, Luật phòng, chống mua bán người 2011, Luật trẻ em 2016 không giới hạn đối tượng được hưởng quyền mà chỉ quy định cụ thể những hình thức trợ giúp pháp lý hoặc các vụ việc, lĩnh vực cụ thể mà những đối tượng này được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, đề nghị luật hóa tất cả những đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định trong các luật hiện hành, bảo đảm quyền công dân được ghi nhận và quy định một cách thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng Nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm lo, bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy quy định như trong dự thảo luật dường như đã hạn chế nhiều đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý từ phía Nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát đề có những số liệu chính xác về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đánh giá tác động các quy định của dự thảo Luật, trên cơ sở đó có căn cứ xác định phạm vi đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Theo Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Ban soạn thảo xem xét không mở rộng quá nhiều nhưng cũng không nên thu hẹp đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

Cũng cho rằng đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định như trong dự thảo Luật là thu hẹp so với nhiều luật liên quan như Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng chống mua bán người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, rà soát để bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Băn khoăn về thẩm quyền cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý

Liên quan đến thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý, dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý được thay đổi từ Chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhằm khắc phục việc trợ giúp viên pháp lý chỉ hành nghề trong phạm vi địa phương, tạo sự độc lập tương đối cho trợ giúp viên pháp lý, nhất là trong các vụ việc hành chính với chính quyền địa phương, đồng thời đồng bộ với thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, khác với hoạt động độc lập của luật sư, hoạt động của trợ giúp viên pháp lý được bảo đảm và chịu sự quản lý, kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương. Nếu tổ chức do địa phương thành lập và bảo đảm hoạt động mà người làm việc trong tổ chức đó lại do Trung ương cấp Thẻ sẽ làm nảy sinh bất cập trong tổ chức và hoạt động. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu tiếp tục giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý như hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động của trợ giúp viên pháp lý gắn liền với Trung tâm TGPL, phạm vi hoạt động của trợ giúp viên pháp lý phụ thuộc vào tính chất vụ việc do trung tâm giao giải quyết. Do đó, sẽ không thể có việc trợ giúp viên pháp lý hoạt động độc lập không gắn với một trung tâm TGPL và tự tiếp nhận công việc TGPL như hoạt động của luật sư.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, căn cứ vào đâu để chuyển quyền cấp thẻ từ Chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp? Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh cấp thẻ lại không bảo đảm vị thế của trợ giúp viên pháp lý bằng Bộ trưởng Bộ tư pháp? Bà Nga đề nghị, cần phải có tổng kết, đánh giá kỹ vấn đề này, tránh tình trạng trong mỗi luật lại “nở” thêm thẩm quyền, “nở” thêm bộ máy, thêm nhiệm vụ quyền hạn.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong khi trợ giúp viên pháp lý gắn với Trung tâm TGPL ở địa phương do Chủ tịch UBND thành lập bảo đảm kinh phí mà chuyển thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý từ Chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp là không cần thiết.

Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân, giảm bớt gánh nặng công việc lên các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật được xây dựng bảo đảm mục tiêu tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng các quy định của dự thảo luật chưa thực sự khuyến khích xã hội hóa hoạt động tư pháp, chưa phát huy vai trò của các tổ chức, các nhân có khả năng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật chỉ ra rằng, cùng với việc quy định tiêu chuẩn hóa đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ở mức cao (tương đương tiêu chuẩn của luật sư) (Điều 18), dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về các điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 12 và Điều 17), đồng thời bỏ chế định “cộng tác viên”, thu hẹp phạm vi người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vụ việc trợ giúp pháp lý không chỉ phát sinh ở các trung tâm nơi có đông số lượng luật sư, tư vấn viên pháp luật mà còn phát sinh ở những vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế. Nếu không còn chế định cộng tác viên thì hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dân ở những vùng này sẽ rất khó khăn. Đồng thời, việc quy định như như trong dự thảo Luật sẽ không cho phép những người am hiểu pháp luật có đủ điều kiện làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý như hiện nay được tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần cân nhắc đối với quy định về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý nâng lên quá cao, tương đương tiêu chuẩn luật sư, là đang thu hẹp phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân.

Cho biết có đến 93% các vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ ở mức tư vấn pháp lý, còn các vụ việc tham gia tố tụng chiếm tỉ lệ ít, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, với mỗi hình thức trợ giúp pháp lý với mức độ phức tạp khác nhau, đòi hỏi những tiêu chuẩn khác nhau không thể quy định đồng loạt tiêu chuẩn cho tất cả đối tượng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đều ở mức độ quá cao, sẽ hạn chế đối tượng tham gia. Vì vậy cần nghiên cứu xem xét để quy định đối với mỗi hoạt động trợ giúp pháp lý cần có những tiêu chuẩn phù hợp vừa bảo đảm chất lượng vừa thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội

Theo dự kiến chương trình, ngày mai 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian để cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý