Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận lỗi trong phiên trả lời chất vấn sáng ngày 7/11 và cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ sửa ngay.
Cuối giờ sáng nay (7/11), sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Mở đầu phần trả lời chất vấn, báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ, cục. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều. Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Vì thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định, đã xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận nhận khuyết điểm khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa trước Quốc hội
Một trong những vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) phản ánh, hiện nay, việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi: thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất.
Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Vì vậy, mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này, có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tâm thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức.
Bộ trưởng cho rằng, riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Theo Bộ trưởng, đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa.
Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với QH, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào
Còn vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.
Riêng vấn đề về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức có bằng cấp ngoại ngữ là như nhau, chỉ từng vị trí là phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau.
Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế, Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.
Bộ trưởng cũng hứa với ĐBQH, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, Nghị định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Đó là vấn đề đi vào thực chất, đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.