Bế mạc Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII: Quốc hội hoàn thành 4 nội dung quan trọng

Ngọc Mai| 27/11/2015 16:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khai mạc vào ngày 20/10, sau hơn một tháng làm việc, chiều 27/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc, để lại những dấu ấn quan trọng quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Bế mạc Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII: Quốc hội hoàn thành 4 nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII

Thực hiện chất vấn Quốc hội với hình thức có nhiều đổi mới

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn khác những kỳ họp trước.

Quốc hội đã dành thời gian để xem xét các báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9.

Tiếp đến, phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong 2 ngày rưỡi (từ ngày 16 đến hết buổi sáng 18/11), là phần trả lời và giải trình thêm các vấn đề mang tính tổng thể hoặc nội dung liên quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công Thương, GD&ĐT, Y tế, NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, GTVT, Thông  tin truyền thông, VHTT&DL, Nội vụ, Viện KSNDTC.

Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn là những vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống; với kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ; những bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách; những định hướng chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân…

Sự khác biệt ở đây chính là đại biểu Quốc hội có thể chất vấn đồng thời cả lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan về một nội dung.

Bế mạc Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII: Quốc hội hoàn thành 4 nội dung quan trọng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Đặc biệt, tại phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục trả lời câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông và quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp tới đồng bào, cử tri cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp, đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng còn không ít khó khăn, thách thức.

Việt Nam chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982; các cam kết khu vực, nhất là Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông.

Thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016

Quốc hội cũng đã xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 và ban hành nghị quyết của Quốc hội về các nội dung này; đồng thời, xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

quoc hoi du toan boi chi ngan sach nam 2016 o muc 4,95% gdp hinh 0

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

Theo đó, Quốc hội chốt mục tiêu tổng quát cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2016 đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2016 là 4,95% GDP.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Một điểm nhấn khác của kỳ họp thứ 10 mà cử tri có thể thấy rõ rệt hơn là Hiến pháp 2013 ngày càng đi vào cuộc sống. Biểu hiện của nội dung này chính là việc Quốc hội cũng quyết định ngày 22/5/2016 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia - một thiết chế độc lập được hiến định, đã được thành lập với 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng; 4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân.

bầu cử quốc gia, Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

16 luật và 15 nghị quyết được thông qua

Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Trong đó nhiều dự án “luật gốc” đã được thông qua như: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Phí, lệ phí; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10 (ngày 27/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). 

Bế mạc Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII: Quốc hội hoàn thành 4 nội dung quan trọng

Đại biểu Quốc bấm nút hội thông qua nhiều luật quan trọng

Việc thông qua các đạo luật có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự... đồng thời, xem xét chuẩn bị ban hành Luật về hội, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin,… đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014” và ban hành Nghị quyết về vấn đề quan trọng này, giao Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm thực thi hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác; thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng đất đai; bảo đảm dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại các địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII: Quốc hội hoàn thành 4 nội dung quan trọng