Bình luận về tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF của Tổng thống Trump, Moscow cho rằng động thái này của Washington được thúc đẩy bởi “giấc mơ về một thế giới đơn cực”; và tất nhiên điều này sẽ không xảy ra!
Rạng sáng 21/10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, đồng thời cáo buộc Moscow đã vi phạm thỏa thuận này. Theo AP, tuyên bố trên được đưa ra tại một điểm dừng trong cuộc vận động ở thành phố Elko, Nevada. Tổng thống Trump khẳng định Nga đã vi phạm Hiệp ước INF trong nhiều năm; song không hề cung cấp thêm chi tiết, AP cho biết.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga thời gian gần đây đã trở nên rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như việc Moscow ủng hộ chính quyền Syria và vấn đề ở Ukraine.
Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi INF nhằm hiện thực hóa "giấc mơ đơn cực", nhưng theo Moscow, điều này sẽ không bao giờ xảy ra!
Khi được hỏi về tuyên bố của Tổng thống Trump muốn chấm dứt Hiệp ước INF lịch sử, cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev - một trong hai “cha đẻ” của thỏa thuận - lên án: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được khi phá vỡ những thỏa thuận cũ về giải trừ vũ khí”! Trong khi đó, các quan chức cấp cao Nga cũng đưa ra những nhận định tương tự.
Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 21/10 cho biết Moscow yêu cầu Washington đưa ra lời giải thích cho tuyên bố này của Tổng thống Trump. Tiếp đó ngày 22/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Theo ông Lavrov, Washington hiện chưa kích hoạt thủ tục rút khỏi INF có ghi rõ trong hiệp ước này; và do đó Moscow sẵn sàng tiếp xúc với Washington theo bất kỳ kênh nào để làm rõ tình hình xung quanh INF.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi kế hoạch của Mỹ là bước đi nguy hiểm, đồng thời khẳng định nếu Washington tiếp tục có hành động “vô trách nhiệm” tương tự, Nga buộc phải có những biện pháp đáp trả, kể cả bằng quân sự.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev thì cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ mở đường cho tình trạng “hỗn loạn hoàn toàn” liên quan đến vũ khí hạt nhân; đồng thời tuyên bố Nga sẽ “đáp trả” hành động trên thực tế của Mỹ sau khi Washington rút khỏi INF.
Liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về ý định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, nhiều nước trên thế giới đã bảy tỏ quan ngại về ý định này.Trong một tuyên bố, văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Macron hôm 21/10 đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump để nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước INF.
Về phía Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga; đồng thời cho biết Tokyo sẽ tìm cách trao đổi quan điểm về vấn đề này với phía Washington.
Còn từ Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ cân nhắc “cẩn thận” những hậu quả, đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai, khi rút khỏi INF. Theo Ngoại trưởng Maas, trong suốt 30 năm qua, INF đã trở thành một trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu; và do đó, việc chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ.
Phát biểu với báo giới ngày 21/10, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin và Quan hệ với Truyền thông thuộc Thượng viện Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ đẩy thế giới rơi vào nguy cơ của một cuộc “khủng hoảng tên lửa Cuba” khác (Khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu giữa Liên Xô - Cuba và Mỹ vào tháng 10/1962 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh).
Thế nhưng, cần lưu ý trong tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận này và sau đó chúng tôi sẽ phát triển vũ khí” trừ phi Nga và Trung Quốc nhất trí một thỏa thuận mới. “Rõ ràng, một lần nữa hai yếu tố Nga và Trung Quốc đã xuất hiện như những mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Mỹ”, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế độc lập cho biết. “Và như vậy, dường như đây là một mũi tên nhằm bắn hai con nhạn Nga - Trung như chúng ta vẫn thấy trong các tuyên bố của chính quyền Washington trước đây, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang nóng bỏng như hiện nay”, vị này nói thêm.
Trước đó, trong một tài liệu của Lầu Năm Góc công bố hồi cuối tháng 9/2018 đã nhấn mạnh việc Bộ Quốc phòng Mỹ liệt Moscow và Bắc Kinh vào danh sách những mối đe dọa chính đói với chiến lược mới của Washington về an ninh mạng; trong khi sau đó ít lâu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại nhận định, xét về lâu dài thì Trung Quốc sẽ trở thành “mối đe dọa lớn nhất với Mỹ” chứ không phải Nga!
Trong phản ứng đầu tiên, hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga bình luận động thái của Washington được thúc đẩy bởi “giấc mơ về một thế giới đơn cực”; và tất nhiên điều này sẽ không xảy ra.
“Nga quá quen với việc Mỹ muốn phá hủy Hiệp ước INF. Mỹ từng muốn làm điều này suốt nhiều năm. Quyết định này phù hợp với con đường mà Mỹ theo đuổi – rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế mà áp đặt nghĩa vụ ngang nhau lên các bên, làm cho khái niệm về “sự ngoại lệ” của Mỹ bị ảnh hưởng. Động lực chính của họ là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Nhưng nó có thể trở thành hiện thực không? Không!”, RIA cho biết.
Ngày 8/12/1987, lãnh đạo Liên Xô khi đó là ông Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước INF. Ảnh: Reuters Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận. Mới đây nhất, trong tháng 7 vừa qua, phía Washington tuyên bố Moscow đã vi phạm các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc của Mỹ là “vô căn cứ” và Nga hoàn toàn được phép làm tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia của mình. |