Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 đã ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao khỏi Đại sứ quán Cuba có trụ sở ở Washington.
Theo hãng tin Reuters, quyết định trên của Mỹ được đưa ra sau khi đánh giá chính quyền Cuba đã thất bại trong việc bảo vệ các nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Cuba trước các cuộc “tấn công sóng âm" bí ẩn.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đã cung cấp cho Cuba một danh sách cụ thể các cá nhân rời khỏi để đảm bảo tác động công bằng cho hoạt động của cả hai đại sứ quán. Được biết, các nhà ngoại giao Cuba có 7 ngày để rời khỏi Mỹ.
Trụ sở Đại sứ quán Cuba ở Washington
Phía Mỹ cũng đang triển khai kế hoạch rút gần hết nhân viên ngoại giao ở Havana sau vụ tấn công bí ẩn. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một tuyên bố cho biết, cho đến khi chính phủ Cuba có thể đảm bảo sự an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba, đại sứ quán của Mỹ ở đó sẽ bị giảm nhân sự xuống chỉ còn các nhân viên khẩn cấp, nhằm giảm tối thiểu số nhân viên ngoại giao có nguy cơ bị hại.
Tuy nhiên, Washington cũng khẳng định động thái rút nhân viên ngoại giao ra khỏi Havana không phải là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách của Mỹ hay kiên quyết buộc Cuba chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Ông Tillerson nhấn mạnh rằng, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Havana, nhưng Cuba nên hành động nhiều hơn để bảo vệ người Mỹ.
Việc sơ tán một phần các nhân viên ngoại giao vừa được coi là giải pháp an toàn, vừa cho thấy sự thất vọng của Mỹ trước cách Cuba giải quyết tình huống, bên cạnh đó đi ngược lại các chính sách gắn bó với Cuba của cựu Tổng thống Obama.
Trước đó, 22 nhân viên sứ quán Mỹ tại Cuba đã bị tổn thương và có các triệu chứng mất thính lực, hoa mắt, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, nhận thức bị ảnh hưởng.
Chính phủ Cuba phủ nhận bất cứ liên quan nào đến sự việc và đang điều tra nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sự việc. Và sau khi Mỹ quyết định giảm 60% số nhân viên đại sứ quán nước này tại Cuba, Havana nói động thái "hấp tấp" này sẽ ảnh hưởng quan hệ song phương.