Dọa “dứt điểm” với Triều Tiên, Trump đang tự dồn mình vào ngõ cụt?

Hà Kim| 19/04/2017 07:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Donald Trump có thể tự đặt mình vào thế khó khi liên tục đe dọa hành động quân sự với Triều Tiên, vì Mỹ chưa thật sự kiên quyết làm vậy và động thái đó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo giới phân tích, để chứng tỏ quyết tâm ưu tiên hành động hơn là lý thuyết, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng đã đến lúc giải quyết “dứt điểm” vấn đề Triều Tiên.

Và việc cho ném GBU-43 - quả bom quy ước có sức công phá dữ dội nhất của Mỹ xuống Afghanistan để hủy diệt một hệ thống hang động của IS, có thể xem là một lời cảnh báo đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: “Nước Mỹ của Donald Trump sẽ hành động khi phải hành động”.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng thẳng thừng tuyên bố, Triều Tiên không nên “trắc nghiệm” quyết tâm của tổng thống Donald Trump và sức mạnh quân sự của Mỹ. Tất cả mọi giải pháp kể cả quân sự đã được tính đến để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, những thông điệp trên của Mỹ đã không làm lung lạc được đối thủ ở thế cùng mà ngược lại khiến đối thủ phản ứng lại một cách khó lường không khác gì ông chủ mới của Nhà Trắng.

Dọa “dứt điểm” với Triều Tiên, Trump đang tự dồn mình vào ngõ cụt?

Dọa “dứt điểm” với Triều Tiên, Trump đang tự dồn mình vào ngõ cụt

Theo Reuters, cho đến nay, mọi biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, tài chính của quốc tế không làm Triều Tiên chùn bước. Hết thử nghiệm hạt nhân đến phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, Triều Tiên từng bước cải tiến sức mạnh vũ trang chiến lược và buôn lậu để tồn tại.

Và tuần trước Triều Tiên lại tiếp tục khoe thứ được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới trong cuộc duyệt binh quy mô, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đối phó thích đáng với Bình Nhưỡng. Một ngày sau đó, Triều Tiên phóng tên lửa ở bờ biển phía đông nhưng thất bại.

Sau vụ phóng tên lửa bị thất bại này, Triều Tiên lại phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt mới. Theo giới chức Mỹ, chiến lược này bao gồm bốn kế hoạch: Bao vây kinh tế, tấn công mạng, áp lực ngoại giao và tấn công quân sự. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những giới hạn cản trở.

Cũng ngay sau đó, ông Trump đã ra lệnh điều ba tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên nhưng các tàu này vẫn đang ở khoảng cách khá xa.

John Nilsson-Wright, một nhà nghiên cứu cấp cao về khu vực Đông Bắc Á tại trung tâm nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh cho rằng, việc triển khai đặt ông Trump vào vị trí khó khăn.

Ông nói với Independent rằng, tổng thống Mỹ có thể "tự dồn mình vào ngõ cụt" với việc thề không làm ngơ nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Ông Nilsson-Wright đặt cũng câu hỏi và nói rằng, ông Trump có thể đã đi quá xa và quá tự tin vì nhận được nhiều sự ủng hộ sau các đòn tấn công ở Afghanistan, Syria.

Mặc dù Triều Tiên nhận thức được đòn thể hiện sức mạnh của Mỹ tại Afghanistan và Syria, nhưng ông Kim có thể vẫn muốn tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí để "trêu chọc" ông Trump. "Triều Tiên dường như đang chuyển vũ khí hạt nhân từ mục đích răn đe sang vai trò chiến đấu", ông nói thêm.

Theo các chuyên gia phân tích, một sự phô diễn uy lực phải có tính thuyết phục và với tình hình rất bấp bênh trên bán đảo Triều Tiên thì điều đó khó xảy ra. Nếu xung đột nổ ra thì không chỉ quân đội Mỹ và Triều Tiên mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hủy diệt trong một cuộc chiến hạt nhân.

Vì vậy, quá cứng rắn có lẽ không phải là cách hiệu quả nhất để đối phó với Triều Tiên. Ông Trump cần phải hết sức kiềm chế nếu muốn giải quyết ổn thỏa hồ sơ Triều Tiên.

Theo CNN, để chặn đứng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ có thể tính đến rất nhiều phương án khác nhau như sử dụng những lời lẽ cứng rắn để răn đe hoặc “nhờ” Trung Quốc gây áp lực mạnh mẽ với Triều Tiên.

Tuy nhiên, cũng như nhiều chính quyền tiền nhiệm khác, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn đang “loay hoay” trong việc giải quyết triệt để hồ sơ Triều Tiên - điều mà Mỹ đã thất bại trong suốt 25 năm qua.

Theo các chuyên gia, cho đến thời điểm này, Tổng thống Donald Trump dường như lại “đi vào vết xe đổ” của chính người tiền nhiệm Barack Obama. Ông Trump vẫn tin rằng, bằng việc hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, Mỹ hoàn toàn có thể “siết chặt vòng vây” khiến Triều Tiên phải chấp nhận dừng ngay chương trình hạt nhân của mình.

Dù vậy, mọi chuyện hoàn toàn đi ngược với những toan tính của ông Trump. Không những không “chùn bước”, Triều Tiên tiếp tục thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã “tăng tốc” việc phát triển tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền của Mỹ.

Chính nhóm cố vấn cao cấp của ông Trump cũng đã phải thừa nhận rằng, Triều Tiên đã “tiến một bước rất dài” trong việc tăng cường năng lực hạt nhân của mình.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Mỹ cần kiên nhẫn và cần tăng cường việc hợp tác với các đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc để tiến hành các bước đi tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dọa “dứt điểm” với Triều Tiên, Trump đang tự dồn mình vào ngõ cụt?