Nhiều binh sĩ từng xông pha giữa Thái Bình Dương để giải quyết hậu quả của các vụ thử hạt nhân đang phải vật lộn với nhiều vấn đề sức khỏe
Mực nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu đang nhăm nhe nhận chìm hầm rác thải hạt nhân do quân đội Mỹ xây dựng trên cụm đảo Enewetak của quần đảo Marshall. Số rác phóng xạ từ 43 vụ nổ hạt nhân tích trữ trong hầm đang rò rỉ vào Thái Bình Dương, đe dọa đến toàn cầu.
Những nạn nhân bị quên lãng
Trong khoảng thời gian từ năm 1948-1958, có tổng cộng 43 vụ thử vũ khí tại Enewetak do chính phủ Mỹ tiến hành, với 30 triệu tấn vũ khí, tương đương 2.000 vụ nổ bom Hiroshima, đã gây những chấn động lớn. Ít nhất 4 hòn đảo bị xóa sổ và sức công phá của các vụ nổ tạo ra một hố rộng đến 2 km, sâu hơn 9 m. Sau đó, hơn 8.000 người - trong đó có nhiều binh lính Mỹ - được huy động dọn dẹp quần đảo Thái Bình Dương, đưa đất cát nhiễm phóng xạ và tàn tích các vụ nổ vào hố sâu khổng lồ nói trên. Cái hố trên đảo Runit này về sau được xây dựng thành "nghĩa địa" rác phóng xạ và được gia cố bằng bê-tông có chiều ngang hơn 100 m, thành dày 40 cm.
Nước biển đã dâng mấp mé vòm hầm rác phóng xạ ở Enewetak của Mỹ Ảnh: PEN NEWS
Sau nhiều thập kỷ, ngoài vấn đề nước biển dâng, gió bão hoành hành cũng đẩy mạnh hơn quá trình rò rỉ phóng xạ từ hầm rác thải này vào đại dương. Trong khi đó, nhiều binh sĩ từng xông pha giữa Thái Bình Dương để giải quyết hậu quả của các vụ thử hạt nhân trong khoảng thời gian từ năm 1977-1979 giờ đây phải vật lộn với nhiều vấn đề sức khỏe như thần kinh, viêm khớp, loãng xương… mà chính phủ Mỹ vẫn từ chối chi trả chi phí chữa trị.
Ông Paul Griego, một trong những người tham gia chiến dịch dọn dẹp, khẳng định nhiều người trong số họ đã trở thành nạn nhân của phóng xạ. Theo lời cựu binh này, bãi rác thải phóng xạ hoàn toàn không đáp ứng được mục đích. "Chúng tôi đã phải nhận một nhiệm vụ bất khả thi, dọn bụi phóng xạ từ 43 quả bom hạt nhân" - ông Griego khắc khoải.
Trong khi đó, Rama Schneider - người điều khiển một chiếc xe đổ bộ để đưa rác thải phóng xạ từ đảo này sang đảo khác trong cuộc dọn dẹp, nói rằng không có gì bất ngờ khi hầm chứa rác này hư hại. Ông cảnh báo nguy cơ ngày càng lớn hơn khi nước biển và mặt đất đang tiến sát tới nhau.
Nhức nhối
Là người thiết kế hầm rác phóng xạ này, ông Girard Frank Bolton III trấn an rằng hư hại về cấu trúc rất nhỏ. Song ông thừa nhận dù sao phóng xạ cũng đang bị rò rỉ khỏi hầm và ngấm vào nước biển. "Hầm được thiết kế để hạn chế phóng xạ thất thoát chứ không phải ngăn chặn tuyệt đối. Bê tông có cấu trúc rỗ, sóng biển và thủy triều sẽ liên tục bơm phóng xạ ra khỏi hầm" - vị chuyên gia này giải thích.
Hiện các cựu binh của chiến dịch dọn rác đang yêu cầu chính phủ Mỹ trợ giúp các nạn nhân gặp phải vấn đề sức khỏe. Tới nay, vẫn chưa rõ những người tham gia chiến dịch có được bảo vệ đúng chuẩn hay không. Một số bức ảnh hiện trường cho thấy họ phanh trần làm việc và không có các công cụ bảo vệ cơ bản. Theo Sputnik, hệ lụy từ việc nước biển thâm nhập vào trong hầm rác thải có thể dẫn tới việc sập bãi rác, khiến nhiều người dân Enewetak đã phải di tản. Cư dân trên hòn đảo san hô này lâu nay phải nhập khẩu thực phẩm từ bên ngoài do không thể ăn các loại cá và hải sản địa phương.
An toàn sức khỏe cũng là một vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua đối với người dân ở gần khu chôn rác phóng xạ Hanford, được xây dựng dọc sông Colombia, bang Washington từ năm 1945. Cư dân địa phương liên tục phản ánh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy hô hấp, mất trí và mất khả năng lao động - được cho là do chất thải phóng xạ rò rỉ ra môi trường.
Trong diễn biến mới nhất, Sở Y tế bang Washington hồi cuối tháng 1 đã gửi một lá thư với những lời lẽ đanh thép tới Bộ Năng lượng Mỹ về mức độ ô nhiễm phóng xạ báo động phát hiện dọc khu Hanford. Theo đó, ở một số địa điểm, mức americium và plutonium đang cao gấp 5-10 lần so với tiêu chuẩn liên bang và kéo dài cả năm qua.