Bộ Tài chính sốt sắng với môi trường

Đoàn Gia| 27/02/2018 15:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, đem lại cho ngân sách nhà nước hơn 15.500 tỉ đồng/năm.

Tất nhiên, dù mới chỉ là đề xuất nhưng dư luận đã phản ứng.

Bộ Tài chính chuẩn bị lý lẽ chặt chẽ nhằm lý giải lý do đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu. Rằng là, hiện trạng thu ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2012-2016 cao hơn tổng số thu từ thuế BVMT. 

Cụ thể, số thu từ thuế BVMT trong giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỉ đồng. Trong đó, năm 2012 thu 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng và năm 2016 khoảng 44.323 tỉ đồng.

Bộ Tài chính sốt sắng với môi trường

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Trong khi đó, tổng số chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 là khoảng 131.857 tỉ đồng, trung bình khoảng 26.371 tỉ đồng/năm. Như vậy, mức chi NSNN cho BVMT cao hơn số thu thuế cho nhiệm vụ này bình quân khoảng 21.197 tỉ đồng/năm.

Một lý giải khách là Bộ Tài chính so sánh giá xăng, dầu trong nước thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.

Thế nhưng, dù có bao biện bằng bất kỳ lý do nào cũng không thể che lấp được mục đích thực sự của Bộ Tài chính trong việc đưa ra đề xuất này là tháo gỡ khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính tìm đến xăng dầu như bài toán để tháo gỡ hoặc là giải pháp cứu cánh khó khăn trước mắt, nhưng không biết Bộ đã tính đến hệ lụy cho việc tăng thuế xăng dầu lên mức kịch khung hay chưa? Giá cả sẽ đồng loạt tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. 

Vì sao Bộ Tài chính chỉ chăm chăm đề xuất tăng thuế xăng dầu hết lần này đến lần khác?

Câu hỏi không khó trả lời. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu của người dân, mỗi ngày trên đất nước ta tiêu thụ vài chục triệu lít xăng dầu. Xăng dầu là thị trường tiềm năng và cũng là nguồn thu tiềm năng cho ngân sách nhà nước.

Có một nghịch lý dễ thấy trong những năm gần đây là Bộ Tài chính dùng giải pháp tập trung tăng thuế, phí, trong khi đó việc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách quốc gia, tiết kiệm tối đa chi tiêu thường xuyên dường như không được coi là giải pháp căn cơ.

Ngân khố eo hẹp cũng một phần do "vung tay quá trán" và sự thiếu kiểm soát các khoản chi tiêu thường xuyên đang chiếm đến 70% ngân sách quốc gia.

Bộ máy nhà nước không được tinh giản, sử dụng ngân sách không hiệu quả, không cân đối thu chi thì 15.000 tỉ hay gấp đôi, gấp 3 số tiền đó cũng chỉ là "tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống".

Một điều rất quan ngại là với cái đà này đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ không phải là đề xuất gây "sốc" duy nhất của Bộ Tài chính trong năm 2018. Bởi lẽ, mới hôm qua, một vị lãnh đạo tập đoàn nhà nước ngồi chưa nóng ghế đã hùng hồn phát biểu muốn xin chi thêm tiền ngân sách để "hà hơi" tiếp sức cho các dự án của tập đoàn đang thua lỗ ngàn tỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính sốt sắng với môi trường