Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục lĩnh thêm bản án 18 năm tù

Mạnh Hùng| 29/03/2018 16:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau mười ngày xét xử và nghị án, chiều nay (29/3), HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án với bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank.

Các bị cáo đều bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội danh Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

HĐXX cho rằng, trong quá trình xét xử, có bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cũng có bị cáo chưa thừa nhận nhưng qua tài liệu điều tra và qua những ngày xét xử cho thấy có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng đã nêu.

Ngoài ra, việc PVN mất 800 tỷ đồng do những hành vi sai trái của bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm gây ra. Cụ thể: Từ chủ trương góp vốn của bị cáo Đinh La Thăng và với 3 lần góp tổng số 800 tỷ đồng vào OceanBank, đến nay toàn bộ số tiền này đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu và thua lỗ nghiêm trọng, do đó Ngân hàng Nhà nước phải mua lại ngân hàng này.

Theo HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank và biết rõ theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank thì phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký Thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào OceanBank.

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục lĩnh thêm bản án 18 năm tù

Hội đồng xét xử tuyên án với các bị cáo 

Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước; bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm (làm trước báo cáo sau).

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động kinh doanh của PVN, xâm hại nghiêm trọng đến đội ngũ quản lý Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội, gây thiệt hại lớn đặc biệt lớn đối với PVN… nên cần có bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo nhằm răn đe giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên khi lượng hình, HĐXX cho rằng các bị cáo có nhân thân tốt, từng giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước; quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo… nên HĐXX cũng áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Từ những nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt các bị cáo: Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN 18 năm tù; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN lĩnh án 23 năm tù (cho cả 2 tội danh); Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên HĐTV PVN lĩnh án 5 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Thành viên HĐTV PVN lĩnh án 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thành viên HĐTV PVN lĩnh án 20 tháng cải tạo không giam giữ và bị cáo Phan Đình Đức, nguyên Thành viên HĐTV PVN lĩnh án 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Cũng trong phần tuyên án chiều nay, HĐXX đã kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ tài sản liên quan đến số tiền chi lãi ngoài hơp đồng của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS nhận định, từ tháng 9/2008, Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào OceanBank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này. Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo trong vụ án đã tích cực thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục lĩnh thêm bản án 18 năm tù

Bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm tại phiên tòa xét xử - Ảnh: TTXVN

Hậu quả, với năng lực yếu kém của OceanBank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm (nguyên CT HĐQT OceanBank), OceanBank đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu; dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN tại OceanBank đã bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc Ngân hàng OceanBank nhằm khắc phục các hậu quả thiệt hại nặng nề của OceanBank gây ra.

VKS xác định, hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn (800 tỷ đồng) của Nhà nước, mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành PVN, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt vị trí cao trong công tác. Nhưng các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với những quyết định làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, lợi ích chung.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX xử các bị cáo mức án sau.

Cụ thể: Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165, khoản 3 - BLHS năm 1999, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 18 năm tù đến 19 năm tù; Ninh Văn Quỳnh và Vũ Khánh Trường cùng bị đề nghị mức án từ 7 năm tù đến 8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng bị đề nghị từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức cùng bị đề nghị mức án từ 24 -30 tháng cải tạo không giam giữ. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị thêm mức xử phạt 17 năm tù đến 18 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung cho hai tội từ 24 năm tù đến 26 năm tù.

Theo cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có OceanBank.

Đến tháng 9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Thực hiện thỏa thuận này, từ ngày 1/10/2008 đến ngày 16/5/2011,  PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số 800 tỷ đồng vào OceanBank, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại OceanBank.

Trong quá trình góp vốn, tại thời điểm ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đã quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, bị cáo Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%, mà tiếp tục ký quyết định giao cho người khác là người đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank trái quy định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục lĩnh thêm bản án 18 năm tù