So với luật năm 2009 thì Luật quản lý nợ công số 20/2017/QH14 có nhiều nội dung mới nhằm bổ sung các công cụ quản lý nợ công.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long - cho biết: Luật quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2018. Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Bộ Tài chính đã khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng 7 Nghị định của Chính phủ để kịp ban hành đúng thời hiệu của luật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 6 Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo 01 Nghị định về quản lý sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng 6 Nghị định để trình Chính phủ và đến nay các Nghị định này đã được ban hành, kịp thời hạn hiệu lực của Luật Quản lý nợ công từ 1/7/2018.
Theo đó, 6 Nghị định bao gồm Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định 92/2018/NĐ-CP ngày 28/6/2018 về quản lý và sử dụng quỹ tích luỹ trả nợ; Nghị định 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định 95/2018/NĐ- CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Luật Quản lý nợ công 2017 siết chặt hơn việc cho vay lại. Ảnh minh họa
Tại Hội nghị của Bộ Tài chính tổ chức tại Hòa Bình mới đây, ông Võ Hữu Hiển- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết: Luật quản lý nợ công 2017 gồm 10 chương và 63 điều, được Quốc hội XIV thông qua để thay thế Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/6/2009 nhằm tiếp cận những thông lệ tốt của quốc tế, để huy động vốn kịp thời cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt để phân định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công, cũng như gắn trách nhiệm giải trình của các đơn vị quản lý và sử dụng nợ công. Ngoài ra, Luật cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa chính sách quản lý nợ công với chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công theo quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công tại Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về quản lý nợ công an toàn bền vững, hiệu quả.
Theo ông Hiền, so với luật năm 2009 thì luật này có nhiều nội dung mới nhằm bổ sung các công cụ quản lý nợ công bao gồm kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình…đã được thể chế hoá đảm bảo kế hoạch tài chính 5 năm theo Luật Ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Luật đã thống nhất đầu mối quản lý nợ công, bao gồm các nguồn vay tạo nên nợ công thì phải do Bộ Tài chính giám sát, thẩm định đánh giá, quản lý rủi ro. Đặc biệt, Luật này dành một chương quy định đảm bảo khả năng trả nợ công, với các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đánh giá tác động đến quy mô, khả năng trả nợ.
Cụ thể, đại diện Bộ Tài chính cho hay, nếu như trước đây, các quan điểm tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, do đó đặt muc tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực. Tuy nhiên, việc huy động vốn với mức tăng cao hàng năm và phải trả hàng năm trên quan điểm của Đảng và Nhà nước lần này phải đảm bảo khả năng nợ công, lấy việc đảm bảo khả năng trả nợ mới huy động vốn. Do vậy, luật đã thể chế hóa quan điểm này. Các khoản vay mới phát sinh phải được đánh giá khả năng trả nợ trong trung hạn. Các khoản vay này khi phát sinh gắn với nợ công thì phải được đánh giá đến chỉ tiêu an toàn nợ công.
Liên quan đến vấn đề cho vay lại, ông Trương Hùng Long cho biết, Luật Quản lý nợ công 2017 siết chặt hơn việc cho vay lại. Cụ thể phân loại ra theo hướng nhà nước chỉ chịu rủi ro đối với các đối tượng chương trình cần ưu tiên của Chính phủ. Việc cho vay này thông qua hệ thống ngân hàng chính sách của nhà nước. Còn với ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện theo nguyên tắc thị trường, tức là cho vay và yêu cầu các ngân hàng phải chịu rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng ứng xử với các dự án giống như nguồn của ngân hàng huy động đem cho vay. NHTM có quyền giải ngân, kiểm soát các khoản giải ngân, tài sản đảm bảo, quyền trích các khoản nợ, các dự phòng rủi ro và ứng xử như các khoản của ngân hàng.
“Các điều kiện liên quan đến tín dụng từ đánh giá, thẩm định dự án ban đầu, đến giải ngân, thu nợ, kiểm soát tài sản đảm bảo, xử lý rủi ro dự án thì NHTM trực tiếp giải ngân khoản vay đó thì có quyền thực hiện, tức là sẽ tiến sát hơn với các nguyên tắc tín dụng để đến lúc nào đó khi chúng ta không còn khoản vay ưu đãi nữa, sẽ chuyển hoàn toàn sang khoản vay thị trường, khi đó ngân hàng ứng xử với các dự án này cũng như các nguyên tắc tín dụng bình thường”, ông Long nói.
Luật Quản lý nợ công 2017 cũng quy định một số điều khoản xử lý rủi ro. Phải có biện pháp chế tài để phòng ngừa xử lý rủi ro, đảm bảo khả năng trả nợ cũng như nhằm công khai minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của các đơn vị quản lý và sử dụng vốn vay.