Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hướng tới xã hội hóa, giảm chi ngân sách

Quốc Huy| 08/03/2019 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xử lý kết quả đối thoại thành và kinh phí hoạt động của bộ máy khi thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại là hai nội dung có nhiều ý kiến khác nhau khi tiến hành lấy ý kiến, hoàn thiện Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án.

Dự án Luật Hòa giải, đối thoại đang trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi trình UBTVQH, Quốc hội cho ý kiến. Hai trong nhiều nội dung quan trọng được TANDTC đưa ra nhiều phương án khác nhau cũng như quan điểm của của cơ quan soạn thảo là: Xử lý kết quả đối thoại thành và kinh phí hoạt động của bộ máy khi thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại.

Xử lý kết quả đối thoại thành

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Tương tự như hòa giải thành trong tố tụng, kết quả đối thoại thành cũng cần được bảo đảm thực thi bằng quyết định của Tòa án và quyền lực của Nhà nước nếu các bên có yêu cầu. Tuy nhiên về vấn đề này, có hai quan điểm về thủ tục, cách thức quy định.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục công nhận kết quả đối thoại thành để bảo đảm hiệu lực thi hành cho thỏa thuận của các bên. Còn quan điểm thứ hai lại cho rằng, không nên quy định việc Tòa án công nhận đối thoại thành.

Những quan điểm này được nêu ra xuất phát từ nhiều lý do. Trường hợp cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính đã nhận thấy quyết định hành chính là trái pháp luật và đã ban hành quyết định hành chính mới để sửa đổi, bổ sung, thay thế quyết định hành chính trước đây thì quyết định này đương nhiên có hiệu lực thi hành (có thể thực hiện cưỡng chế hành chính nếu cần thiết) mà không cần Tòa án công nhận mới phát sinh hiệu lực. Nếu trong quá trình thực hiện, người phải thực hiện quyết định hành chính cho rằng quyết định này vẫn trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính mới tại Tòa án.

Còn trường hợp người phải thực hiện quyết định hành chính, qua đối thoại nhận thức được quyết định hành chính là đúng pháp luật và cam kết là sẽ thực hiện thì quyết định hành chính tiếp tục có hiệu lực thi hành; nếu người phải thực hiện quyết định hành chính không chấp hành quyết định hành chính thì có thể bị cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hướng tới xã hội hóa, giảm chi ngân sách

Một phiên tòa dân sự

TANDTC thể hiện trong dự thảo Luật theo quan điểm thứ nhất.

Xã hội hóa để đảm bảo kinh phí hoạt động

Kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những chính sách trọng tâm của dự án Luật này. Tuy  nhiên, vấn đề này còn có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên do Nhà nước chi trả; người tham gia hòa giải, đối thoại không phải nộp phí hòa giải, đối thoại. Quy định như vậy sẽ góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Còn theo quan điểm thứ hai, người tham gia hòa giải, đối thoại phải nộp phí hòa giải, đối thoại để chi trả cho lợi ích mà họ được hưởng từ dịch vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khi đưa ra các phương án, TANDTC có quan điểm rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng ngân sách để đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại cần được cân nhắc kỹ. Do vậy quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật này, TANDTC dự thảo quy định cụ thể hướng đến việc hạn chế, tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước mà tăng cường xã hội hóa, tận dụng nguồn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn có. Chi phí ngân sách nhà nước phải chi trả cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo dự án Luật này chủ yếu là chi phí thù lao cho Hòa giải viên, Đối thoại viên khi hòa giải, đối thoại thành. Những nhân sự này được tuyển chọn từ nguồn nhân lực chất lượng cao có uy tín, kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp nên chi phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng không nhiều.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật này là giải pháp giúp làm giảm tải các tranh chấp, khiếu kiện mà Tòa án phải giải quyết. Xét trong tổng thể thì các chi phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xét xử sẽ giảm do hòa giải, đối thoại giúp giảm lượng công việc đồ sộ mà Tòa án phải đảm nhiệm hàng năm (chi phí trung bình cho vụ việc hòa giải thành là nhỏ hơn nhiều so với chi phí cho việc xét xử, thi hành án).

Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có quốc gia lựa chọn các bên đương sự phải nộp phí, có quốc gia lựa chọn Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động này. Đối với Việt Nam, với bản chất là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên để nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nhân dân và xã hội thì Nhà nước và toàn hệ  thống chính trị đều phải có trách nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm cho rằng cần thu phí hòa giải, đối thoại để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, đã tồn tại 2 phương án là: Không thu phí hòa giải, đối thoại và cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp phí hòa giải, đối thoại, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, khi Ban soạn thảo họp lần đầu tiên cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng cần thu một khoản kinh phí để đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả. Ngoài nguồn thu từ xã hội hóa thì Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ một khoản kinh phí để đảm bảo hoạt động.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định rằng kinh phí để bảo đảm hoạt động bộ máy là vấn đề rất quan trọng. Quan điểm của Bộ Tài chính là cần nghiên cứu  kinh nghiệm của các nước để có thể thu khoản phí nhằm đảm bảo một phần chi phí hoạt động, nhất là trong bối cảnh của nước ta hiện nay. Ngoài ra, liên quan đến các quy định về chi ngân sách cho lĩnh vực này, Bộ Tài chính sẽ rà soát các quy định hiện hành để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, các phương án mà TANDTC dự kiến đưa ra về việc thu phí hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật sẽ tiếp tục được thảo luận, cân nhắc và tiếp thu trong quá trình xây dựng dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hướng tới xã hội hóa, giảm chi ngân sách