Thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các loại vụ án

PV| 07/11/2017 06:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan là một kinh nghiệm thành công trong quá trình giải quyết các loại vụ án.

Hoạt động này nhằm đảm bảo sự thống nhất nhận thức về áp dụng pháp luật; khẩn trương thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử; phát hiện và khắc phục kịp thời những điểm chưa rõ ràng, thậm chí là những sai sót trong bản án đã tuyên.

Thời gian qua, TANDTC đã có nhiều quy chế phối hợp công tác với các cơ quan ở Trung ương, trong đó phải kể đến các quy chế phối hợp của TANDTC với Chính phủ, với VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương. Các cơ quan tư pháp cũng duy trì thường xuyên việc họp liên ngành để tháo gỡ những vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo TANDTC, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, nhìn chung các Tòa án đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TW của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luập trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, một số tòa án cũng chưa thực sự chủ động thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, đặc biệt là trong công tác phối hợp với một số cơ quan bổ trợ tư pháp trong thực hiện công tác giám định, định giá tài sản hay các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ; chưa tuân thủ nghiêm quy định của Chỉ thị 15/CT-TW. Trong công tác phối hợp có nơi còn có biểu hiện xuôi chiều, không có bản lĩnh để bảo vệ quan điểm của mình, không thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Tòa án trong việc kiến nghị đối với những thiếu sót của cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát.

Thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các loại vụ án

TAND và VKSND TP. Hà Nội tổng hợp kết quả 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp

Trong thời gian tới, TANDTC tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương, Chính phủ, Bộ Tư pháp để chỉ đạo các cơ quan chức năng theo ngành dọc tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án.

Đối với các tòa án khác, cần tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TW trong quá trình giải quyết các vụ án. Khẩn trương rà soát và chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế này.

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, chủ động đề xuất họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng để bàn và thống nhất về nhận thức đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong áp dụng pháp luật. Đối với những vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, lãnh đạo tòa án cần chủ động phân công Thẩm phán tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố để nắm chắc các tình tiết, nội dung, thẳng thắn trao đổi những vấn đề cần làm rõ nhằm giải quyết tốt các vụ án. Trong quá trình tham gia phối hợp phải thể hiện bản lĩnh để thực hiện hết thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Các tòa án cần chủ động phối hợp kịp thời với các cơ quan bổ trợ tư pháp để đôn đốc thực hiện các hoạt động giám định, định giá tài sản làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ án. Trong quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước khi thu thập, đề nghị cung cấp tài liệu, chứng cứ, các Tòa án phải thể hiện tính chủ động, tích cực, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin về trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu của các cơ quan này để đôn đốc, nhắc nhở thực hiện.

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề khởi kiện. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu phát hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện là trái với quy định của pháp luật, cần chủ động gặp, phân tích và thẳng thắn chỉ ra những sai sót cho cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước biết để sửa đổi, hủy bỏ quyết định hoặc chấm dứt hành vi hành chính.

Thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để giải thích, đính chính hoặc đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tùy từng trường hợp cụ thể.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các loại vụ án