Ngày 8/10, TAND TP. Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm lần 2 xét xử bị cáo Phạm Đức Tài (39 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (viết tắt là Công ty IG).
Cùng ra hầu tòa với bị cáo Tài lần này còn có 10 đồng phạm bị truy tố về hai tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tội Kinh doanh trái phép.
Các bị cáo trong vụ án này gồm: Phạm Đức Tài, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty IG; Mai Xuân Tú (68 tuổi, quê Nam Định), TGĐ Công ty IG; Lương Trần Hưng (29 tuổi, quê Lạng Sơn), GĐ Chi nhánh Công ty IG tại Hải Dương; Lưu Công Khánh (36 tuổi, quê Đắk Lắk), nhân viên kỹ thuật Công ty IG chi nhánh Thanh Hoá; Lưu Trung Kiên (27 tuổi, quê Đắk Lắk), nhân viên Công ty IG, chi nhánh Thanh Hoá; Vũ Văn Thuấn (29 tuổi, quê Lạng Sơn), nhân viên Công ty IG, chi nhánh Thanh Hoá; Trần Hồng Nhung (29 tuổi, quê Lạng Sơn), nhân viên Công ty IG; Nguyễn Ngọc Thế (27 tuổi, quê Nam Định), nhân viên Công ty IG; Nguyễn Ngọc Giới (SN 1993, quê Nam Định), nhân viên Công ty IG; Vũ Đình Hùng (34 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh ), kỹ sư công nghệ thông tin và Nguyễn Doãn Hùng (34 tuổi, quê Phú Thọ), nhân viên Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay
3 bị cáo Tài, Khánh và Hùng bị truy tố về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặt thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (khoản 4, Điều 226b BLHS).
Ngoài tội danh trên, ba bị cáo này còn bị truy tố về tội Kinh doanh trái phép (khoản 2, Điều 159 BLHS). Các bị cáo Nhung, Hưng, Thuấn, Thế, Giới, Kiên, Tú bị truy tố về tội kinh doanh trái phép (khoản 2, Điều 159 BLHS).
Trong số 11 bị cáo thì chỉ có 2 bị cáo là Tài và Khánh bị bắt tạm giam. 9 bị cáo còn lại được cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, đầu tháng 5/2018, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, do phát sinh tình tiết mới liên quan đến các bị hại có lời khai mới về số tiền thiệt hại lớn hơn nhiều so với số tiền được cơ quan tố tụng xác định trong vụ án nên HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ số tiền các bị hại nộp vào tài khoản công ty, và đề nghị làm rõ vai trò của một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Sau khi điều tra bổ sung, VKS xác định, chưa đủ căn cứ làm rõ lời khai của các bị hại về số tiền phát sinh ngoài hồ sơ vụ án cũng như vai trò của một số tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Với quan điểm của mình, VKS quyết định giữ nguyên bản cáo trạng số 408/CT-VKS-P2, ngày 20/11/2017.
Có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo; 1 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại. Riêng bị cáo Phạm Đức Tài có 4 luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp. Dù các nhà đầu tư của Tài trong vụ án được xác định có 140 người ở Hà Nội, còn lại là ở các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa.
Nhưng tham dự phiên toà chỉ có vài chục người được Toà triệu tập với tư cách là bị hại trong vụ án. Nhiều bị hại khác dù được Toà triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do.
Chủ toạ phiên toà đã hỏi ý kiến đại diện VKS về sự vắng mặt của các bị hại, đại diện VKS cho biết, quá trình điều tra, các bị hại vắng mặt đã có lời khai tại cơ quan điều tra. Vì thế sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử. Sau khi hội ý tại chỗ, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục phiên toà.
Theo cáo trạng, Công ty IG tổ chức sàn giao dịch cho khách hàng tham gia kinh doanh vàng trên tài khoản, thông qua phần mềm MT4. Các bị can thuê máy chủ và phần mềm của đối tác ở nước ngoài và hình thành công ty “đối tác” lấy tên là NAPMIG.
Việc thành lập NAPMIG nhằm thể hiện, IG chỉ là công ty môi giới. Quá trình điều hành Công ty IG, các bị can tổ chức nhiều lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu cho khách hàng rằng, IG là đại lý môi giới của NAPMIG.
Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển tới NAPMIG và IG chỉ hưởng tiền phí. Khách hàng được hướng dẫn tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản.
Mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (khoảng 55 triệu đồng) và 5.000 USD (khoảng 110 triệu) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.
Tham gia kinh doanh vàng trên mạng, khách hàng còn có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu, các cặp ngoại tệ. Khi khách hàng nộp tiền, Phạm Đức Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền nhằm thể hiện, số tiền khách hàng chuyển vào IG được IG chuyển đến Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi.
Mục đích của IG là khiến khách hàng tưởng IG chỉ là công ty môi giới. Từ năm 2013 - 2015, có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD.. Khi vụ án xảy ra, IG đã chiếm đoạt của khách hàng số tiền gần 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng).
Ngoài hành vi trên, Tài còn huy động vốn trái phép gần 50 tỷ đồng. Khi vụ án xảy ra, Tài chưa chưa thanh toán số tiền huy động vốn trái phép hơn 13 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, dù Công ty IG chưa được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, kinh doanh vàng ký quỹ, huy động vốn.
Nhưng Tài và Khánh cùng sự giúp sức của các bị cáo khác đã tiến hành hoạt động kinh doanh trái phép trên các lĩnh vực: kinh doanh vàng miếng, huy động vốn, kinh doanh vàng ký quỹ, kinh doanh ngoại hối.
Trong ngày đầu xét xử, HĐXX thẩm vấn các bị cáo về hành vi “móc túi” khách hàng từ hành vi kinh doanh vàng ảo trên mạng. Các bị cáo khai, việc họ đã làm là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Tài.
Được biết, đây là vụ án được dư luận rất quan tâm vì đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt khách hàng chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Dự kiến, phiên tòa xét xử lần này sẽ được diễn ra trong khoảng 5 ngày (từ 8 -12/10/2018).