Nhân dịp 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có những chia sẻ về cuộc sống, về sự khắc nghiệt của nghề phóng viên điều tra.
LTS: Hơn chục năm trước, cái tên Đỗ Doãn Hoàng nổi lên như một hiện tượng của làng báo. Xông xáo, lăn xả vào những điểm nóng để cho ra đời những tuyến bài điều tra chấn động dư luận. Hàng trăm bài điều tra với hàng trăm vụ việc khác nhau được đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, phía sau những vinh quang ấy là những giọt nước mắt, sự cô đơn không mấy người biết đến.
Một trong hàng chục bìa sách đã xuất bản của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Trong 20 năm làm báo, trải qua nhiều tòa soạn, từng theo dõi các mảng công tác đoàn - hội, mảng văn hóa nghệ thuật cho Báo Thanh niên, mảng phóng sự ghi chép cho Báo An ninh thế giới; và hơn chục năm nay làm phóng viên điều tra của Báo Lao động, tôi đã có đủ so sánh để thấm thía nỗi cô đơn của người viết điều tra hơn bao giờ hết.
Tôi chuyển sang làm điều tra, lý do đơn giản là vì sức hấp dẫn khó cưỡng của mảng đề tài khó nhằn nhất, có tính chiến đấu nhất và cũng là mảng mà bằng ngòi bút can trường của mình, nhà báo có nhiều cơ hội để cống hiến điều gì đó tốt đẹp nhất cho cộng đồng này. Trong một lời giới thiệu dành cho cuốn sách mới của tôi, hơn 10 năm trước, nhà văn Trung Trung Đỉnh có viết: Xông pha, điều tra, phân tích, định hướng, tìm giải pháp cụ thể và đích thực - chiến đấu vì những thay đổi tiến bộ trong nhận thức và hành vi của cộng đồng - ấy là thước đo cao nhất, quý nhất dành cho phẩm cách của một người làm báo.
Càng ngẫm, tôi càng thấy mình cần làm một cái gì đó, thay vì cứ văn hay chữ tốt, cứ khoe mẽ các ý tứ đong đưa bóng bẩy trong bài viết kiểu văn chương nửa mùa. Từ bấy, các cuốn sách, các bài báo, chương trình truyền hình tiếp sau của tôi, luôn có mục “hồi âm”. Rằng, sau phóng sự điều tra này, tiêu cực đã bị triệt phá ra sao, người đau khổ được cứu rỗi thế nào, điều luật bất cập này đã được thay đổi và công chúng báo chí có thể kiểm chứng ở nguồn này. Đối tượng thoái hóa biến chất bị ra vành móng ngựa hôm nào, ảnh và video về chuyện này bạn có thể xem ở đây; cơ quan chức năng công nhận phát biểu thế này...
Nói khác đi, với tôi, sức mạnh ngòi bút điều tra trước hết nằm ở sức chiến đấu đem lại những sự thay đổi hết sức cụ thể như thế. Đó cũng là lý do tôi thường trực tiếp lên kế hoạch, tham gia quay phim lén, dẫn chương trình ở hiện trường, viết lời bình rồi thể hiện lời bình luôn trong các phim điều tra phát sóng trên báo điện tử hoặc sóng Truyền hình Việt Nam.
Với phóng sự báo viết cũng vậy. Tôi muốn độc giả, khán thính giả đồng hành cùng các cuộc dấn thân của chúng tôi. Tất nhiên, vài phóng sự kinh động, vài kẻ xấu vào tù, vài cánh rừng được cứu rỗi, điều đó cũng chỉ có ý nghĩa vừa phải trong diệt trừ những cái ác nhan nhản thôi. Vườn rau nào cũng có sâu, đôi khi không phải vài con làm rầu mà là cả bát, cả chậu sâu. Đôi khi, có vẻ như tôi chỉ cứu được vài cánh rừng, vài loài vật nguy cấp quý hiếm, loại được vài tên tội phạm trong nước hoặc mang tầm quốc tế, tôi đạt vài giải thưởng tạm coi là đắc thắng. Và cũng nói thật, khi tôi và cộng sự đến thì các cây báu vật thiên nhiên gỗ nghiến, gỗ pơ mu nghìn năm tuổi có đường kính lên tới 3m đã bị “giết chết”, chặt phá, xẻ thịt; hàng vạn rùa biển quý hiếm đã bị ăn thịt nhồi tiêu bản.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong lần làm phóng sự điều tra về tàn sát tê giác trong rừng châu Phi
Phóng sự thể hiện về cái chết chóc vô lý đó rồi tác phẩm của chúng tôi đạt nhiều giải thưởng về báo chí điều tra trong nước và tầm châu lục. Nhưng, phóng sự đó nó xuất hiện sau khi giết chóc đã xảy ra. Nó không giúp cứu được các loài động thực vật cụ thể kia hoặc không cứu được hết các nạn nhân của tiêu cực. Nhưng cái quan trọng hơn, nó trở thành tiếng súng hiệu, trở thành bài học răn đe, trở thành phiên tòa lưu động để ngăn trừ những cái ác trong tương lai. Đó là điều cay đắng và cũng là vinh quang của người làm điều tra.
Đổi lại, chúng tôi mất rất nhiều. Tôi vinh dự được tiếp xúc với nhiều nhà báo lừng danh trên thế giới. Có lẽ tôi cũng ước ao mình thôi nhỏ bé để theo gót họ. Và tôi lưu giữ những lời đề tặng của họ dành cho tôi, trong các cuốn sách họ đã viết. Nhà báo Deborah Nelson (phóng viên điều tra cho các tờ Los Angeles Times, Washington Post, Seattle Times và Chicago Sun - Times), một người từng đoạt giải cao quý nhất của những người làm báo trên thế giới, giải Pulitzer, với tư cách là phóng viên điều tra (sau đó, bà còn lần nữa đoạt giải Pulitzer với tư cách là biên tập viên nòng cốt cho chính dự án điều tra đoạt giải). Bà cũng là tác giả cuốn “Phía sau cuộc chiến” viết về thảm sát của lính Mỹ tại miền Trung Việt Nam. Khi tặng tôi cuốn sách đó, bà Nelson đã ngồi ở Hà Nội, viết và ký: “Tôi với bạn đồng nghiệp của tôi, Mr Đỗ Doãn Hoàng. Chúng ta cùng đi tìm sự thật, sự thật đó sẽ làm chúng ta mạnh mẽ và tự do hơn”.
Sự trả giá đó là gì? Là máu của chúng tôi đã đổ. Trong khi tôi bị ba kẻ côn đồ lạ mặt vác gậy vây đánh ngày 23/3/2016, trước khi nằm ngất ở một con đường lầm bụi và cát sỏi ở Hoàng Mai, Hà Nội, tôi không bao giờ tin là mình có thể sống sót. Bởi nếu không có tấm áo giáp phòng vệ, không có mũ bảo vệ cứng rắn và không chuẩn bị trước cho một ngày mình có thể phải đổ máu, thì chắc chắn tôi không thể ngồi đây trả lời phỏng vấn bạn được nữa. Không ai đem tính mạng mình ra đùa cợt cả, tôi nói nghiêm túc là như vậy. Khi cánh tay tôi đẫm máu, toàn bộ thịt và móng ở ngón tay trỏ nát như bị băm vằm, tôi tỉnh dậy và kêu cứu, thì người ta lặng lẽ đi qua vì sợ bị côn đồ trả thù. Tôi gào lên, và giờ đây thỉnh thoảng trong mơ tôi vẫn gào lên: “Tôi là nhà báo, tôi bị trả thù, chứ không phải tôi là côn đồ đánh nhau. Cứu tôi, cứu tôi với!”. Có thể tôi hoa mắt vì sợ, vì choáng sau khi bị đánh vào đầu quá nhiều (trong khi có mũ cứng bảo vệ), có thể vì nó đập vỡ kính cận 4,5 đi ốp của tôi rồi nên mắt tôi loạn xạ lên - nên mọi thứ đảo điên quay cuồng. Cho đến khi một cậu bé cứu tôi. Và khi đó, tưởng như là tột cùng của nỗi cô đơn.
Nhưng chưa hết. Rồi sau đó, trong khi Công an tìm cách điều tra thủ phạm, chính các đồng nghiệp lại tung tin xấu về tôi. Trong khi cả nước đang căm phẫn vì côn đồ lộng hành trả thù nhà báo với thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm nhất, thì việc tung tin hỏa mù lên facebook như thế, đã làm nhiều người sốc hoặc ít ra là niềm tin bị phân tán. Video và ảnh về 3 đối tượng theo dõi, hành hung nhà báo giữa ban ngày ban mặt, giữa thủ đô hoa lệ được công bố trên truyền thông. Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn cấp điều tra, khi Công an Hà Nội có công văn trả lời chính thức về vụ việc tôi bị đánh, thì mới lòi ra những kẻ tung tin trên mạng xã hội cũng như trên một tờ báo điện tử ít người đọc kia là sai. Và họ đính chính, gỡ đi, xin lỗi tôi.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, máu chảy rồi máu lại ngừng, nhưng ngón tay tôi đã không bao giờ gõ được máy tính nữa và nỗi cô đơn thì chưa bao giờ thấy được vơi đi. Đơn giản, người làm điều tra gây ra nhiều thù oán. Nghề điều tra cũng có nhiều vinh quang. Ngoài thù oán cá nhân, việc bạn gặt hái nhiều vinh quang cũng sinh ra lắm kẻ ghét, đôi khi là như vậy. Con gà tức nhau tiếng gáy. Cũng có khi, các “con gà” kia cũng chỉ là những con rối bị đối tượng xấu giật dây nhằm tung hỏa mù thông tin, “khủng bố” tinh thần gã nhà báo mà chúng đã quyết hành hung nhưng chưa đạt mục đích.
Và bài học ở đây là, chúng tôi phải ẩn mình sâu hơn nữa, kỹ hơn nữa, để đứng đằng sau, đứng an toàn trước những cuộc điều tra đó. Phải sống sót, sống sót để tiếp tục cống hiến, tác nghiệp vì lý tưởng “làm một cái gì đó cho cộng đồng”, cho “thước đo quan trọng nhất của phẩm cách người cầm bút”: đem các thay đổi tích cực cho hiện thực. Nhưng nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Có khi bài chưa in, họ đã tuyên bố “không tha” nếu như tiếp tục điều tra. Có khi họ cho người thứ ba bóng gió bắn tin, chỉ cần 30 triệu để dàn dựng một kịch bản tai nạn giao thông và người chết là gã nhà báo. Rồi dọa tấn công cả... bố vợ hắn (chứ không chỉ là bố đẻ).
Khi bị hành hung, tôi đã báo cáo với Công an, tên tuổi từng nhân vật dọa dẫm, đầu gấu đóng vai “ca vát cổ cồn” mà tôi từng điều tra, tố cáo trên mặt báo. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ, sẵn cái tiếng luôn đi đầu viết báo chống tiêu cực, nên làng báo có chuyện gì, tờ báo của tôi có chuyện gì, hoặc vùng mà tôi hay đi thực tế có chuyện gì, thế là họ nghi ngờ kiểu “100%” là thằng ấy “lại xuống tay” rồi. Có lần, khu tôi ở tại Hà Nội, mấy gã xây ký túc xá mini cho sinh viên thuê bị báo chí tố cáo, họ họp nhau lại và quyết định trả thù tôi, chỉ vì trong khu ấy chỉ có tôi là nhà báo. Góc chụp ảnh tố cáo của tờ báo kia là đúng góc từ phía... nhà tôi. Có lần, tôi bị tấn công, cơ quan chức năng liên tục hỏi tôi, có phải anh làm vụ A và bị nó trả thù không? Tôi bảo, tôi không làm, sao anh hỏi thế? Bảo vụ đó đang ầm ĩ ở báo anh, và tôi đoán là anh làm.
Cô đơn nhất là những lúc bị thóa mạ, chửi bới, dọa dẫm. Không biết kể cùng ai, kể với bố mẹ vợ con cũng ngại, vì sẽ gieo cho họ nỗi hoang mang tột độ, khi những từ ngữ đao búa kia được “xướng” lên. Nhưng im lặng mãi thì có khác gì chuyện nhà vua có cái tai lừa, cũng phải đào cái hố và nói sự thật xuống lòng đất chứ. Trước hàng chục lá thư yêu cầu tôi dừng lại kẻo nó giết anh và giết con cái anh, tôi đã khóc và nghĩ đến bạc đầu, mình chết thì đành một nhẽ, nhưng các con mình “đầu xanh có tội tình gì”. Và hôm sau tôi trả lời phỏng vấn trên báo, rằng tôi rất hèn, trong trường hợp này tôi cần phải biết hèn, tôi sẽ dừng những vụ việc kể trên, để họ đọc và đừng xuống tay.
Khi tôi lăn xả vào làm các vụ lớn, và vô tình biến tôi thành nguồn tin cho báo chí và truyền thông, mạng xã hội (tức là trả lời phỏng vấn, nhận giải thưởng, chia sẻ kinh nghiệm khi các điệp vụ lớn thành công vang dội). Sau này được tiếp xúc với nhiều nền báo chí trên thế giới, tôi mới hiểu ra, việc biến mình thành nguồn tin cho báo chí là điều tối kỵ trong nghề điều tra. Nhưng, lúc hồn nhiên chia sẻ cởi mở như vậy, tôi đã tâm huyết muốn người ta thêm tin tưởng vào lòng tốt và sự quả cảm có thể có trong xã hội, tin vào công lý. Tức là các vụ điều tra của tôi và đồng nghiệp sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người, sau khi chính những vụ điều tra đó quét sạch bất công vô lý nào đó.
Dĩ nhiên, chính sự xả thân đó đã làm tôi lộ diện. Ai đó nghi ngờ và muốn tấn công tôi, ngay cả khi tôi không hề “phơi bày” tội ác của họ trong bất kỳ một bài báo, cuốn sách hay một chương trình nào. Vài người, cứ bị “lật mặt” là họ nghĩ đến tôi. Và chưa hết, cái giọng văn nhiều khi rất khác và cũng rất giống nhau, tôi có nhiều bạn bè, nhiều học trò mang giọng văn giống tôi (có vẻ giống), thế là bài của người A viết rồi người B họ ngửi văn một cách vụng về và quy chụp cho tôi hết.
Còn điều nữa, thường thì nhà báo ít khi giấu đồng nghiệp là tôi làm vụ A hay vụ B. Nhưng, để an toàn, phóng viên điều tra phải giấu mình đang “tố cáo tiêu cực” của ai, cơ quan nào. Đôi khi, phải có người đóng thế đến phỏng vấn hay gọi điện cho đối tượng, phải ký bút danh khác hoàn toàn với mình (tôi là nam, hay ký bút danh kiểu nữ). Thế rồi, chính đồng nghiệp lại dùng tài ngửi văn đích thực của mình, dùng quan hệ chằng chịt trong nghề, dùng tư cách “tớ muốn cùng lên tiếng ủng hộ tâm huyết của cậu” để moi tin từ tôi, moi chuyện tôi đã “tấn công” tiêu cực ra sao, để rồi... cung cấp cho “phía bên kia”. Có vụ, chúng tôi hoạt động như gián điệp, cả tòa soạn tưởng như không ai biết tôi tham gia một vụ việc đang sôi sình sịch trong Quốc hội, trên nhiều diễn đàn và bàn nghị sự của mấy Bộ. Tôi cùng Ban biên tập tiếp người đứng đầu đơn vị đầu ngành bị tố cáo, vừa kéo ghế ngồi, ông quan kia đã hỏi: “Đỗ Doãn Hoàng là cậu nào?”. Tôi lặng người: lộ từ đâu? Có lần, sếp tôi ở một tờ báo đã tâm huyết nói: “Sự bán đứng đồng nghiệp như vậy, đôi khi chính là việc bạn đang giết chết anh ta, và thực tế thì máu đã đổ”.
Sự khép mình, đề phòng, kiểu như việc tôi mặc áo giáp ra đường theo đúng nghĩa đen, đã đẩy những nhà báo điều tra chúng tôi vào nỗi cô đơn có thật. Rất lớn. Tất nhiên, chúng tôi tự hào vì những cống hiến đầy “quyền lực” của các bài điều tra đích đáng, khách quan và truy đuổi vấn đề đến tận cùng vì cộng đồng. Nhưng bạn sẽ nghĩ gì, khi mà bạn xuất hiện ở đâu là bạn bè lảng tránh tế nhị? Quan chức, cán bộ các địa phương thì “kính nhi viễn chi”. Có những quan hệ, tôi xây dựng từ lúc ông lãnh đạo tỉnh đang là nhân viên văn phòng đi lo chỗ ở và đặt cơm tiếp nhà báo, giờ họ làm lãnh đạo chóp bu, nhờ vả lấy thông tin rất tuyệt.
Ai đó nói, cái có giá bậc nhất mà một nhà báo có kinh nghiệm tích lũy được, ấy chính là quan hệ. Quan hệ, nhất là ở Việt Nam, là một quyền lực, ngay cả khi bạn chỉ nghĩ đến nó ở khía cạnh “sạch sẽ” nhất. Nhưng chỉ một bài tung ra, một chùm bài tố cáo, mọi quan hệ mấy chục năm tan thành mây khói. Có lần, ai đó đã khen tôi bằng một câu chửi “thằng này nó đến là nhất định có vấn đề. Nó làm điều tra, có bao giờ viết khen đâu. Mà nó đã “choảng” thì cũng chẳng bao giờ cãi lại được nó, vì chứng lý rất rõ ràng. Tốt nhất tránh cho nó lành”. Thử hỏi, sống trong cuộc đời, nhiều đêm thức trắng tính toán xem mình tung ra cái này thì bao nhiêu người đau lòng và mất bao nhiêu mối quan hệ tử tế? Nhưng không lẽ tội ác thế mà mình lại im lặng? Tôi đã chọn phương án lên tiếng, rồi hy vọng sự chân thành trong sáng của mình sẽ giúp mình giữ chân được những người bạn tốt bên mình. Xin thưa, họ nói vậy, họ biết vậy, nhưng vì cái ghế của họ, vì sợ người ta nhìn vào quy kết là đồng lõa với nhà báo “bới thối” địa phương của mình, nên họ vẫn ý nhị “tránh voi chả xấu mặt nào”. Ở một tỉnh Tây Bắc, đã có người, bị cấp trên gọi lên cạo gáy sau khi ai đó nhìn thấy ngồi... trà đá vỉa hè với tôi.
Sống như vậy, làm sao không cô đơn. Nhưng không lẽ đồng lõa với những tiêu cực mà mình biết rõ hoặc bỏ rơi những vấn đề thiết thân bức xúc bà con thương mến đã sầm sùi khóc lóc đến nhờ cậy vào mình, vào tờ báo của mình? Chúng tôi đã phải đối mặt, đối mặt với côn, gậy, dao kiếm rồi đổ máu theo đúng nghĩa đen. Đối mặt cả với nỗi sợ hãi cô đơn của chính mình như thế. Biết làm sao bây giờ? Có phải vì thế mà các cụ dùng từ Nghề Nghiệp, trong mỗi nghề có một cái Nghiệp!