Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba tiếng nổ chát chúa vang lên. Ba viên đạn nhằm thẳng vào chiếc xe bóng lộn chở Aleksei Arkhipovich Leonov, người đầu tiên trên thế giới bước ra ngoài khoảng không vũ trụ, đến Điện Cremli dự chiêu đãi do chính phủ Liên Xô tổ chức.
May mắn thay, cả ba viên đạn đều không vào chỗ hiểm, chỉ làm rách áo và xước mặt Leonov. Hung thủ đã bị bắt ngay sau đó. Kết quả điều tra phát hiện, tên sát thủ đã nhầm: Thay vì nhằm vào xe nhà lãnh đạo Leonid Ilyich Brezhnev, hắn đã bắn vào xe chở Leonov. Đó là câu chuyện xảy ra vào hai năm sau khi Leonov có chuyến đi bộ lịch sử ngoài không gian. Nó chỉ làm Leonov thêm nổi tiếng và không gây ra bất cứ sự cản trở nào đối với con đường chinh phục vũ trụ của phi hành gia này.
Aleksei Leonov (phải) và nhà du hành vũ trụ Donald K. "Deke" Slayton trong dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz năm 1975.
Năm 1960, Leonov lọt vào danh sách 20 phi công không quân xuất sắc nhất tham gia vào khóa huấn luyện, đào tạo phi công vũ trụ. Sau những nỗ lực không ngừng, Leonov được vinh dự chọn làm người bước ra khoảng không vũ trụ sau khi tàu Phương Đông 11 (Vostok 11) phóng lên quỹ đạo. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó đã bị hủy vào phút cuối. Sứ mệnh lịch sử ấy vẫn do Leonov làm, nhưng là trên tàu Bình minh 2 (Voskhod 2). Ngày 18/3/1965, khoác trên mình bộ quần áo vũ trụ màu trắng bạc, Leonov bước ra khỏi khoang quỹ đạo, bay trong khoảng không vũ trụ. Chiều dài tối đa của chiếc dây đai an toàn chỉ cho phép Leonov lơ lửng trong khoảng 5,3 m. Leonov leo lên đỉnh phi thuyền, dừng ở đó vài phút thì nhận được lệnh quay trở về. Lúc này, Leonov mới phát hiện bộ quần áo vũ trụ mình mặc đã biến dạng, giống như một quả bóng bơm căng hơi, không thể nào lọt qua cửa để vào bên trong khoang quỹ đạo. Tình thế rất nguy cấp, bởi lượng ô xi mà Leonov mang theo chỉ còn đủ dùng trong 30 phút và cũng chỉ còn 5 phút nữa là Bình Minh 2 đi vào vùng tối trong quỹ đạo. Leonov quyết định mở van áp suất, giải phóng không khí bên trong, bộ quần áo vũ trụ xẹp xuống. Leonov thoát hiểm trong gang tấc.
Aleksei Leonov bên ngoài tàu Bình minh 2.
Tính từ lúc bước ra khoảng không vũ trụ đến khi trở lại khoang quỹ đạo thành công, Leonov lưu lại trong không gian tổng cộng 12 phút. Nhưng để có nó, nhà phi hành gia này đã phải mất tới 8 tháng luyện tập trong điều kiện không trọng lượng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trên hành trình trở về, sinh mệnh của các phi hành gia trên tàu Bình Minh 2 lại rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Số là khi Leonov bước ra khoảng không vũ trụ, tàu Bình Minh 2 hoạt động ở tư thế tĩnh học, bên phải quay về phía mặt trời chịu sức nóng của mặt trời lên tới 160 độ C còn bên trái quay về phía bóng tối lạnh âm 140 độ C. Chính sự chênh lệch về nhiệt độ quá lớn đó đã khiến áp suất không khí trong tàu thay đổi đột ngột, lên 160, 220 rồi 460 ml trên áp kế thủy ngân. Điều đó đồng nghĩa với việc khoang tàu như một quả bom ga, chỉ cần một chất xúc tác nhỏ là bùng nổ. Cả Leonov và chỉ huy trưởng, Đại tá Pavel Belyaev đều đã nghĩ đến cái chết. Thần may mắn một lần nữa mỉm cười với họ. Áp suất trong khoang tàu từ từ hạ xuống. Nhưng khi chuẩn bị hạ cánh, bộ định vị tự động trên tàu bị trục trặc, tổ bay đành chuyển sang điều khiển bằng tay. Kết quả, khoang thu hồi đã đáp xuống một nơi không định trước: Khu rừng già ở dãy Ural và tổ bay đã phải sống 2 đêm giữa sự bao vây của bầy sói trước khi tổ cứu hộ tới.
Ba năm sau cái ngày 18/3 lịch sử đó, Leonov được chọn làm sĩ quan chỉ huy tàu vũ trụ Liên hiệp (Soyuz) thực hiện nhiệm vụ bay thám hiểm quanh mặt trăng. Nhưng do tất cả những cuộc thử nghiệm với tàu vũ trụ không người lái trong lĩnh vực này đều thất bại, hơn nữa lúc đó cuộc chạy đua vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ đang diễn ra kịch liệt và tàu Apollo 8 của Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng thành công, nên cuối cùng kế hoạch bay của Soyuz bị hủy bỏ. Tiếp đó, năm 1971, Leonov chút nữa trở thành sĩ quan chỉ huy tàu Liên hiệp 11 làm nhiệm vụ đưa người lên trạm không gian Chào mừng 1 (Salyut 1) – trạm không gian đầu tiên của Liên Xô. Do phi hành gia cùng tổ của Leonov bị nghi mắc bệnh phổi kết hạch, nên nhiệm vụ đáng ra thuộc về họ đã bị tổ bay dự bị làm thay. Kiên nhẫn tập luyện và chờ đợi, cuối cùng, vinh quang lại một lần nữa đến với Leonov, khi anh trở thành chỉ huy tàu Liên hiệp 19 từ năm 1976 đến năm 1982, thực hiện nhiệm vụ chung giữa Mỹ và Liên Xô trong chương trình Apollo-Soyuz. Sau đó, Leonov được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm chuyên môn của Trung tâm Huấn luyện phi công vũ trụ, trước khi về hưu vào năm 1991.