Chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây, TAND các cấp dã xét xử nhiều vụ án đánh bạc với quy mô lớn.
Vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc với 86 bị cáo do TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử ngày từ ngày 17/3/2014 đang được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Trước đó, ngày 16/12/2013, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc dưới hình thức lô đề và cá độ bóng đá với số bị cáo là 34 người. Bị cáo đầu vụ là Nguyễn Quốc Toản (sinh năm 1964) đã tổ chức một mạng lưới đánh bạc (hoạt động trong 10 tháng với số tiền thu của các con bạc là hơn 1,45 tỉ đồng) dưới hình thức lô, đề, dựa trên kết quả xổ số và cá độ bóng đá.
Ngày 19 và 20/11/2013, TAND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử sơ thẩm vụ án 10 đối tượng trong đường dây đánh bạc qua mạng. 10 bị cáo là những “đại gia” khét tiếng với số tiền nướng vào song bạc gần 70 tỷ đồng. Các bị cáo phải lĩnh tổng cộng 42 năm tù, bị phạt hành chính 263 triệu đồng, nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 2,5 tỷ. Tháng 8/2013, TAND TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh xét xử vụ đánh bạc gồm 12 bị cáo với tang vật thu được là 552 triệu đồng…
Một xới bạc bị công an bắt giữ
Theo diễn biến các tình tiết trong các vụ án thì đây là những vụ đánh bạc rất lớn, có tổ chức. Đối tượng tham gia đến từ nhiều địa phương, trong đó nhiều đối tượng có tiền án và từng có tiền án (nhân thân) về tội đánh bạc. Sới bạc có người canh giữ, có hoạt động “xáo bạc” – cho vay tiền với lãi suất cao để phục vụ đánh bạc. các đường dây cá độ được tổ chức bài bản, có sự tham gia của rất nhiều mạng lưới “chân rết”.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong ba ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua, cả nước có 1.037 đối tượng phạm tội bị bắt, trong đó có đến 671 đối tượng (64,7%) liên quan đến cờ bạc. Tuy nhiên, tệ nạn cờ bạc hiện nay không chỉ là các vụ nhỏ lẻ, “chơi cho vui” tại các dịp lễ tết mà diễn biến phức tạp theo xu hướng chuyên nghiệp, có tổ chức.
Trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn ráp gianh ở một số địa phương. Tội phạm đánh bạc tăng 16,66% về số vụ, diễn biến phức tạp, nhất là các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản với lãi suất cao, xảy ra ở nhiều địa phương.
Các đối tượng cờ bạc phần lớn đang ở độ tuổi còn rất trẻ, chính vì vậy rất dễ bị cám dỗ, lôi kéo. Những khoản tiền lớn từ cờ bạc như một chất “chất gây nghiện” khiến các con bạc không thể rời bỏ. Đằng sau những cuộc đỏ đen luôn kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường mà hậu quả đầu tiên là nợ nần chồng chất. Không chỉ vậy, việc ăn thua trên những chiếu bạc còn là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình chơi có thể khiến các con bạc không làm chủ được bản thân, dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người…
Hiện nay, việc quản lý loại tệ nạn này đang là dấu hỏi lớn bởi nhiều sới bạc được tổ chức tinh vi nên dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng này thường tụ tập ở nhiều địa điểm khác nhau, ở các địa bàn khác nhau khiến cho việc theo dõi và triệt phá còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức cho người dân thông qua các biện pháp tuyên truyền là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế các loại đối tượng tội phạm, đảm bảo trật tự, trị an.