Theo lời Thẩm phán Trần Văn Đạt, Phó Chánh án TAND huyện Cái Bè, mặc dù đơn vị hiện có 10 Thẩm phán, thiếu 9 Thẩm phán so với chỉ tiêu biên chế được giao là 19 Thẩm phán nhưng đơn vị luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cái Bè là huyện ven sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, nơi có đất đai màu mỡ, vườn trái cây trĩu quả. Đặc sản nổi tiếng nhất của vùng đất này là xoài cát Hoà Lộc, một loại trái cây đã gắn liền với địa danh Hòa Lộc. Ngoài ra, chợ nổi Cái Bè là một trong nhiều chợ nổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhộn nhịp và sung túc nhất là các chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền, Phụng Hiệp (Chợ Ngã Bảy) và Cái Bè. Vì thế người ta gọi nơi đây là “Vương quốc” trái cây.
Chợ nổi Cái Bè
Có lẽ vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, ruộng đồng xanh ngắt, vườn trái cây trĩu nặng quả ngọt nhờ uống nước sông Tiền cuồn cuộn phù sa nên con người nơi đây hiếu khách, đôn hậu, tính tình cởi mở, nặng nghĩa nặng tình, cần cù, sáng tạo. Điển hình như TAND huyện Cái Bè. Theo lời Thẩm phán Trần Văn Đạt, Phó Chánh án TAND huyện, mặc dù đơn vị hiện có 10 Thẩm phán, thiếu 9 Thẩm phán so với chỉ tiêu biên chế được giao là 19 Thẩm phán nhưng đơn vị luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết 158,4 vụ/năm (cao hơn so với chỉ tiêu là 230%). Trong năm 2014, đơn vị TAND Cái Bè đã thụ lý 1.616 vụ, đã giải quyết 1.582 vụ, đạt tỷ lệ 97,90%, không có án quá hạn luật định.
Để đạt được thành tích đó, từng cá nhân trong đơn vị nghĩ ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng trong đơn vị. Qua đó, đơn vị đã lựa chọn và áp dụng nhiều sáng kiến, kinh nghiệm vào thực tế công tác. Qua một năm áp dụng đồng bộ các sáng kiến kinh nghiệm, chất lượng xét xử của đơn vị và các mặt công khác đều được nâng lên rõ rệt. Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thực hiện tốt chủ trương tin học hóa trong công tác nghiệp vụ của TAND, đơn vị mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý sổ sách thụ lý án, báo cáo thống kê... đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tình trạng của hồ sơ, trả kết quả cho công dân một cách hiệu quả, nhanh chóng và chính xác. Việc lập các sổ sách nghiệp vụ được thực hiện trên máy tính đảm bảo đúng biểu mẫu quy định của TANDTC. Từ một cơ sở dữ liệu được tạo từ thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện ban đầu, phần mềm đã tự tạo các sổ sách khác như: Số nhận đơn, sổ thụ lý và kết quả giải quyết của các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính... sổ theo dõi các quyết định và bản án của các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế… Đồng thời, từ các sổ sách này, việc soạn thảo các văn bản tố tụng như: Biên bản giao nhận chứng cứ, giấy báo nhận đơn khởi kiện, thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, quyết định phân công Thẩm phán, thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập, thông báo về phiên hòa giải… được tự động hóa và ban hành chính xác, nhanh chóng. Mặt khác, cũng từ dữ liệu ban đầu của phần mềm, cùng với sổ theo dõi kết quả tạo ra các báo cáo thống kê về số lượng án thụ lý, giải quyết của từng Thẩm phán một cách tự động. Từ đó, tạo thuận cho công tác quản lý của lãnh đạo đơn vị.
Thẩm phán Trần Văn Đạt, Phó Chánh án TAND huyện Cái Bè
Khi được phân công giải quyết, các Thẩm phán đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu hồ sơ vụ án thật kỹ. Sau đó, mời cơ quan hành chính là bên bị kiện đến Tòa án để trao đổi, giải thích các quy định của pháp luật về đối tượng bị khởi kiện trong vụ án hành chính. Tiếp đến, đơn vị đã mời hai bên đến để tổ chức đối thoại. Khi đối thoại, thẩm phán luôn công tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các bên đương sự tham gia đối thoại trên tinh thần trao đổi, góp ý nhau giữa các đương sự. Do thực hiện tốt các giải pháp đó nên trong năm qua, tỷ lệ án đối thoại thành của đơn vị chiếm tỷ lệ rất cao (66,67% = 2/3 vụ án hành chính). Sau khi đối thoại thì người khởi kiện đã tự nguyện rút yêu cầu khởi kiện.
Bằng những sáng kiến trên mà những năm qua, chất lượng giải quyết các loại án của TAND huyện Cái Bè năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011, bị hủy 14 vụ/số đã giải quyết (1.371), chiếm tỷ lệ 1,02%; năm 2012, bị hủy 13 vụ/số đã giải quyết (1.416), chiếm tỷ lệ 0,92%; năm 2013, bị hủy 12 vụ/số đã giải quyết (1.458), chiếm tỷ lệ 0,82%; năm 2014, bị hủy 10 vụ/số đã giải quyết (1.616), chiếm tỷ lệ 0,63%.
Với những kết quả đạt được, TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang được Cụm thi đua số V đề nghị suy tôn “Cờ thi đua TAND” năm 2014.