Thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong tố tụng dân sự

Lê Thị Lan| 30/09/2014 21:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận’’ được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS .

Trong trường hợp sau khi Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử và đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử cho các đương sự, nhưng trước ngày mở phiên tòa nguyên đơn rút đơn khởi kiện, vụ án không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập, nếu đơn hợp lệ thì Tòa án chấp nhận và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Một vấn đề còn nhiều thắc mắc là Tòa án sẽ ra ngay quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và Thẩm phán là người ban hành quyết định hay phải chờ ngày mở phiên Tòa sơ thẩm và Hội đồng xét xử ban hành quyết định.

Tại Điều 24 của Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 03/12/2012 và BLTTDS năm 2005 cũng chỉ quy định chung là nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận và căn cứ vào Điểm c Khoản 1 Điều 192 của BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự,  không có quy định cụ thể hơn.  Hiện nay đang có hai quan điểm:

Thứ nhất, xét thấy nguyên đơn có đơn xin rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán  được phân công giải quyết vụ án căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 của BLDS ban hành quyết định đình chỉ giải quyết  vụ án dân sự.

Thứ hai, phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử quyết định. Trường hợp này sẽ có khả năng xảy ra các trường hợp sau: Ngay ở phiên tòa xét xử vụ án, nếu nguyên đơn cho rằng, họ đã có đơn rút đơn khởi kiện nộp cho Tòa án và họ không có mặt tại phiên tòa hoặc trường hợp bị đơn vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải  hoãn phiên tòa. Như vậy, sau khi hoãn phiên tòa, Tòa án phải tiến hành các thủ tục tống đạt quyết định hoãn phiên tòa, giấy triệu tập thông báo ngày, giờ xét xử lại vụ án cho đương sự. Thủ tục này là không cần thiết, kéo dài thời gian giải quyết vụ án trong khi nguyên đơn đã có ý chí rút đơn khởi kiện từ trước ngày mở phiên tòa lần thứ nhất. Nếu phải hoãn phiên tòa vì có đương sự vắng mặt nhưng lần xét xử tiếp theo nguyên đơn vẫn vắng mặt  thì Hội đồng xét xử đình chỉ với lý do nguyên đơn rút đơn khởi kiện hay căn cứ vào điểm a Khoản 2 Điều 199 của BLDS“nguyên đơn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện” để đình chỉ vụ án.

Vấn đề ở đây là liên quan đến việc xử lý tiền tạm ứng án phí. Trường hợp nếu đình chỉ xét xử vụ án trong trường hợp “nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận” thì nguyên đơn sẽ được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí. Nếu đình chỉ xét xử vụ án trong trường hợp “nguyên đơn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện” thì  hậu quả của việc đình chỉ vụ án  dân sự tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước.

Trong các trường hợp này thì dù nguyên đơn đã có rút đơn khởi kiện nhưng nếu lần xét xử lần thứ hai nguyên đơn vẫn vắng mặt thì hậu quả xử lý tiền tạm ứng án phí là khác nhau. Nếu sung vào công quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng án phí thì sẽ không đúng ý chí của nguyên đơn vì nguyên đơn đã có đơn rút đơn khởi kiện. Hiện nay Bộ luật tố tụng dân sự chưa quy định một cách cụ thể việc đình chỉ giải quyết vụ án ở từng giai đoạn tố tụng. Điều này dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng.

Nhân việc sửa đổi BLTTDS, có một số kiến nghị nhằm góp phần cụ thể hóa căn cứ, hình thức, thủ tục tố tụng, thẩm quyền và hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án ở  từng giai đoạn tố tụng cho phù hợp với thựa tiễn giải quyết vụ án hiện nay, đó là: Khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng nguyên đơn có đơn xin rút đơn khởi kiện trước ngày mở phiên tòa và kể cả ở giai đoạn mở lại phiên tòa sau khi đã hoãn phiên tòa thì việc xác định thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ cần quy định thuộc về Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong tố tụng dân sự