TANDTC tổ chức hội nghị triển khai về án lệ

Văn Vũ| 31/12/2015 12:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/12, tại TP. Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Đến dự Hội nghị có các Thẩm phán TANDTC, đại diện lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện các cơ quan tư pháp, các chuyên gia pháp lý đang giảng dạy và làm việc trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn giới thiệu khái quát về án lệ và vai trò, ý nghĩa của án lệ cũng như lịch sử áp dụng án lệ ở Việt Nam trước đây. Theo đó, áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cộng đồng xã hội.

TANDTC tổ chức hội nghị triển khai về án lệ

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhiệm vụ mới của HĐTP TANDTC và Chánh án TANDTC là những chủ thể thực hiện việc phát triển và công bố án lệ nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao, những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp. Nhiều quy định pháp luật còn chưa rõ; còn có những vấn đề chưa được pháp luật qui định cụ thể.

Để đảo bảm chất lượng và giá trị pháp lý của án lệ thì việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và những đặc điểm pháp lý riêng có của Việt Nam. Theo đó, các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn của Việt Nam, HĐTP TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Sau khi nêu bật vai trò, ý nghĩa cũng như cơ sở pháp lý của án lệ, Phó Chánh án Nguyễn Sơn đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến xung quanh các vấn đề cần thể hiện trong các mẫu án lệ.

Trong không khí cởi mở, chân tình, góp ý trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý tập trung đúng vào trọng tâm mà Hội nghị đề ra. Thẩm phán Trương Thái Hiền, Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hoan nghênh việc ban hành án lệ. Đây là chế định mới trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Sau khi góp ý một số vấn đề về nội dung cần thiết của án lệ, Thẩm phán Trương Thái Hiền cho rằng, tên của các đương sự, bị cáo trong án lệ cần phải viết tắt để tránh ảnh hưởng đến nhân thân. Tương tự, Thẩm phán Phan Gia Quý, Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nên mã hóa tên của các doanh nghiệp vì liên quan đến thương hiệu.

PGS.TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo thông lệ quốc tế cũng như quy định của pháp luật Việt Nam, bản án là công khai nên tên của đương sự trong vụ án cần viết đầy đủ, để thuận tiện tra cứu. Ngoài ra, PGS. TS Đỗ Văn Đại còn lưu ý án lệ hiện nay đã được luật hóa. Bộ luật dân sự năm 2015 đã ghi nhận án lệ vào luật. Do đó, khi phát triển án lệ, HĐTP TANDTC cần chú ý đến các thông số của án lệ phải chính xác tuyệt đối, tránh tranh luận không cần thiết. Nên chăng, án lệ cần sử dụng nguyên bản án gốc, phần xác định cũng như nhận diện về án lệ được ghi ở phần dưới. Án lệ phải có tính phổ quát và tính thuyết phục cao. Có những nhận định khái quát, đề dẫn trước khi vận dụng pháp luật để áp dụng tương tự.

PGS. TS Đỗ Văn Đại còn đặt vấn đề về việc án lệ có tính hồi tố không? Bởi lẽ, các tranh chấp thực chất đã xảy ra và tồn tại trên thực tế. Án lệ chỉ là hình thức thể hiện các quan hệ tranh chấp xảy ra trước đó. Cho nên, TS Đại cho rằng, án lệ cần phải được quy định tính hồi tố.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, án lệ là nguồn luật. Những quan hệ tranh chấp xuất phát từ nhu cầu thực tế phát sinh để xây dựng án lệ. Thực tế, hiện nay, các xung đột pháp luật thường xảy ra phần lớn ở các lĩnh phi hình sự rất gay gắt. Luật thành văn không ban hành theo kịp để điều chỉnh các quan hệ tranh chấp này thì việc phát triển án lệ là việc làm hết sức cấp thiết để “vá lỗ hổng” này.

Phó Chánh án Nguyễn Sơn giải thích rằng, án lệ thực chất là Nghị quyết của HĐTP TANDTC, là văn bản qui bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách minh bạch, thống nhất. Đồng thời, án lệ cũng là nguồn để xây dựng văn bản pháp luật.

Phát biểu về nguồn của án lệ, Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh cho biết, Nghị quyết 03 của HĐTP TANDTC đã chỉ rõ, nguồn án lệ là bản án của Tòa án các cấp. Do đó, đề nghị lãnh đạo Tòa án các tỉnh, thành phố quán triệt Thẩm phán cần nâng cao hơn nữa về kỹ năng cũng như vận dụng các căn cứ pháp lý, phân tích, lập luận để viết những bản án chuẩn mực, chung tay cùng TANDTC tạo nguồn án lệ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn tập trung đóng góp về mẫu án lệ cần phải có tiêu đề; số bản án; thời điểm phát hành; xác định các quan hệ tranh chấp; căn cứ pháp lý để vận dụng vào bản án; vấn đề về ban hành án lệ nên tách bạch các quan hệ pháp luật: hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính…

Hầu hết các ý kiến đề đồng ý quan điểm nên công bố toàn văn bản án, phần án lệ được HĐTP TANDTC ghi nhận, xác định phần nào là án lệ. Như vậy sẽ tạo động lực cho Thẩm phán về rèn luyện, nâng cao kỹ năng viết án cũng như vận dụng pháp luật.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cảm ơn các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến. Theo đó, gần 15 ý kiến đóng góp xung quanh những vấn đề về mã hóa, không mã hóa; giữ nguyên bản án gốc hay biên tập lại; thống nhất số án lệ, tên cơ quan ban hành, nhặt ra những nội dung xác định án lệ, hình thức ban hành… Ban Tổ chức xin tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình TANDTC ban hành mẫu án lệ.

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cũng nhắc nhở, mục đích Hội nghị là triển khai thực hiện Nghị quyết số 03. Do đó, đề nghị lãnh đạo TAND các tỉnh thành cần quán triệt sâu sắc, nhanh chóng rà soát, phát hiện bản án chuẩn mực để đề xuất Vụ Pháp chế nghiên cứu, tổng hợp, trình HĐTP TANDTC xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức hội nghị triển khai về án lệ