TAND huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp: Thi đua là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Quang Trung| 01/01/2017 13:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là đơn vị dẫn đầu nhiều năm liền trong phong trào thi đua của Cụm thi đua số V TAND, năm 2016 tiếp tục được đề nghị tặng Cờ thi đua TAND.

Đơn vị luôn đặt phong trào thi đua lên hàng đầu, qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay áp dụng vào công tác chuyên môn.

Thẩm phán Đinh Văn Phong, Chánh án TAND huyện Cao Lãnh cho biết, thi đua không phải là điều gì xa lạ mà “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó với tinh thần trách nhiệm, thái độ tận tụy chính là thi đua. Để thực hiện điều này, lãnh đạo đơn vị cũng như tập thể đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp, kế thừa những cách làm có hiệu quả của những năm trước đồng thời không ngừng học hỏi, sáng tạo cho phù hợp với tình hình nhằm nâng cao chất lượng công tác. Đầu năm, mỗi công chức đều phải đăng ký các sáng kiến, giải pháp để ứng dụng trong công tác. Những sáng kiến, những cách làm mới không chỉ là nội dung quan trọng để đánh giá kết quả thi đua mà còn rất hữu ích trong công việc hàng ngày. Do vậy, luôn luôn tìm tòi, không ngừng đổi mới chính là cách làm “tiện cả đôi đường”, vừa giúp công việc được hoàn thành nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa giúp đơn vị có điều kiện đạt được các danh hiệu khen thưởng cao quý.

TAND huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp: Thi đua là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Thẩm phán Đinh Văn Phong, Chánh án TAND huyện Cao Lãnh

Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua nên nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được phát hiện, được phổ biến trong toàn thể công chức đơn vị để học tập góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong năm 2016, TAND huyện Cao Lãnh đã thụ lý 1.558 vụ, việc; đã giải quyết 1.553 vụ, việc; còn lại 5 vụ; đạt tỷ lệ 99,68%; không có án tồn đọng, quá hạn luật định.

Thẩm phán Đinh Văn Phong chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong đơn vị mình, theo đó, trong công tác quản lý, lãnh đạo đánh giá được trình độ năng lực của từng người để có phương hướng sắp xếp công việc phù hợp. Nhờ vậy đã giúp công chức có ý thức trách nhiệm hơn, phát huy tốt hơn năng lực của chính mình, vận dụng được khả năng sáng tạo phục vụ công tác. Đây là phương pháp quản lý hiệu quả nhất nhằm xây dựng một tập thể vững mạnh. Trong năm, lãnh đạo đã phân công 3 Thẩm phán có chuyên môn và kinh nghiệm trực tiếp quản lý tiến độ, chất lượng giải quyết từng loại án hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình. Các Thẩm phán này có trách nhiệm đôn đốc, hỗ trợ cho những Thẩm phán và Thư ký khác khi cần, đồng thời phải báo cáo kết quả với Chánh án việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi có những khó khăn, vướng mắc không thể tháo gỡ được thì đưa ra họp tổ Thẩm phán để tập thể cùng nhau đóng góp. Trường hợp vẫn còn những vấn đề không thống nhất thì Chánh án trực tiếp hoặc bằng văn bản trao đổi nghiệp vụ với cấp trên để có hướng giải quyết hợp lý, đồng bộ nhất.

Lãnh đạo cũng quan tâm sâu sắc đến việc rút ngắn khoảng cách cũng như sự khác biệt trong nhận thức pháp luật ở mỗi Thẩm phán nhằm nâng cao năng lực cá nhân, bởi con người là nhân tố quyết định. Theo đó, tiến độ cũng như chất lượng giải quyết án sẽ tăng lên, góp phần tạo thành tích tốt cho tập thể. Lãnh đạo duy trì việc yêu cầu Thẩm phán tự lập kế hoạch giải quyết đối với từng vụ án ngay từ khi được phân công xét xử. Trong kế hoạch này phải xác định được những bước tiến hành tố tụng cơ bản nhất phải thực hiện; xác định chứng cứ vụ án cũng như hướng thu thập chứng cứ và có dự liệu thời gian hoàn thành. Áp dụng phương pháp này vừa rút ngắn khoảng cách trong nhận thức về các bước tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án giữa các Thẩm phán trong đơn vị, vừa tạo cho Thẩm phán một cái nhìn tổng quát về vụ án, thu thập chứng cứ đúng hướng, đầy đủ, tránh bỏ sót thủ tục tố tụng, rút ngắn thời hạn giải quyết. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu này cũng tạo thuận lợi trong quá trình lãnh đạo kiểm tra đột xuất để kịp thời đôn đốc Thẩm phán tích cực công tác, hạn chế án kéo dài không có căn cứ.

Một kinh nghiệm nữa là “Thực hiện việc khen thưởng công bằng, kịp thời”. Mỗi lời động viên, khích lệ đúng lúc của người lãnh đạo sẽ có tác dụng tích cực, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn và kết quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn. Trong một tập thể có nhiều người như thế sẽ tạo không khí vui tươi đoàn kết, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp: Thi đua là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao