Năm 2016, TAND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh không có án quá hạn luật định, không có án sửa, án hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, tỷ lệ giải quyết án đạt 100%.
Tại Hội nghị Tổng kết Cụm thi đua số I, TAND huyện Cẩm Xuyên vinh dự được bình chọn là đơn vị xuất sắc được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” năm 2016.
Để hoàn thành các nhiệm vụ mà Tòa án cấp trên và địa phương giao cho, TAND huyện Cẩm Xuyên tăng cường phối hợp với VKSND huyện xét xử những vụ án hình sự theo thẩm quyền mới. Quá trình xét xử, Tòa án tạo điều kiện để những người tham gia tố tụng tranh luận công khai dân chủ; mọi phán quyết của Hội đồng xét xử chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Định kỳ, Tòa án chủ động họp các ngành liên quan để đánh giá quá trình phối hợp thực hiện của từng đơn vị theo quy định của BLTTHS. Trong các đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, TAND huyện Cẩm Xuyên kịp thời đưa ra xét xử nhiều vụ án hình sự nổi cộm. Các vụ án điểm, đơn vị đưa đi xét xử lưu động tại địa bàn nơi bị cáo gây án hoặc cư trú, nên có tác dụng cao trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công dân.
Điểm nổi bật của TAND huyện Cẩm Xuyên là việc áp dụng sáng kiến, giải pháp công tác trong xét xử các vụ án hình sự lưu động. Từ trước năm 2015, khi thực hiện xét xử lưu động, đơn vị ít chú ý đến thời gian và địa điểm xét xử nên nhiều khi người dân không biết để tham dự. Sau khi nghiên cứu, xem xét tập quán và đặc thù của nhân dân trong vùng, TAND huyện Cẩm Xuyên kết hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát xác định án điểm và thống nhất đưa vụ án ra xét xử lưu động, đồng thời sắp xếp thời gian địa điểm xét xử. Đối với các vùng đồng bằng sản xuất nông nghiệp, Tòa án chọn thời gian xét xử lưu động vào những lúc bà con đã vơi bớt việc đồng áng; chọn địa điểm xét xử gần trung tâm hoặc chọn những buổi chợ phiên có đông người, đồng thời tường thuật trực tiếp quá trình xét xử trên hệ thống truyền thanh của xã.
Thẩm phán Hoàng Xuân Huệ, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên
Trong xét xử án dân sự, đơn vị áp có sáng kiến phối hợp với chính quyền cơ sở lập hồ sơ vụ kiện ban đầu. Sáng kiến này do tập thể Thẩm phán và lãnh đạo đơn vị soạn thảo, thực hiện. Việc lập hồ sơ ban đầu, Tòa án hướng dẫn cho cán bộ tư pháp xã yêu cầu đương sự cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khởi kiện. Đồng thời cán bộ tư pháp xã khi tiếp nhận hồ sơ vụ kiện thì phân loại tranh chấp trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng để yêu cầu đương sự xuất trình chứng cứ và hướng dẫn biện pháp thu thập tài liệu. Nếu tranh chấp theo hợp đồng, cán bộ Tư pháp yêu cầu đương sự cần thu thập các tài liệu như bản hợp đồng, các chứng cứ liên quan đến hợp đồng, nếu hợp đồng bằng miệng thì phải có người làm chứng. Tranh chấp ngoài hợp đồng thì người dân phải có các giấy tờ chứng minh thiệt hại hoặc giấy tờ chứng nhận các quyền sở hữu tài sản như bệnh án, đơn thuốc, hóa đơn, chứng từ, giá trị tài sản, giấy đăng ký xe máy, tàu thuyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, nhà cửa...
Ngoài những nội dung trên, khi tiếp nhận đơn khởi kiện lập hồ sơ ban đầu tại cơ sở, cán bộ Tư pháp xã, thị trấn lưu ý đến năng lực hành vi của đương sự. Nếu đương sự có dấu hiệu hạn chế về thể chất, tinh thần thì phải có người giám hộ bảo vệ quyền lợi của đương sự. Với sáng kiến này đã giúp cho UBND xã, thị trấn, cán bộ tư pháp nắm rõ quy trình xây dựng hồ sơ vụ kiện và tiến hành hòa giải tại cơ sở. Trong trường hợp cơ sở hòa giải không thành thì hồ sơ vụ án chuyển đến Tòa án đã có đầy đủ các tài liệu, giảm thời gian thu thập chứng cứ của Tòa án và tránh gây phiền hà cho đương sự. Khi giải quyết vụ việc dân sự, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến đất đai, các Thẩm phán đã kiên trì công tác hòa giải, tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, nên phần lớn các vụ án được các bên tự thỏa thuận mà không qua xét xử.
Đối với vụ việc hôn nhân gia đình, ngoài đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án yêu cầu phải có biên bản hòa giải từ cơ sở, giấy đăng ký kết hôn, nếu mất thì phải có chứng nhận của chính quyền địa phương, giấy khai sinh của con, bản thống kê tài sản chung hoặc riêng của vợ chồng, giấy tờ chứng minh các khoản nợ. Năm 2016, đơn vị hòa giải thành 83% các vụ án án hôn nhân gia đình, bảo vệ quyền lợi ích của các bên đương sự, giúp giảm thiểu các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần tạo nên sự ổn định trong mỗi gia đình và xã hội.
Cùng với công tác xét xử, đơn vị cũng làm tốt công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, thi hành án hình sự, tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng tổ chức đoàn thể... Vì vậy, nhiều năm qua, đơn vị được TANDTC công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, Chi bộ được Huyện ủy Cẩm Xuyên công nhận” Chi bộ trong sạch vững mạnh”; nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND; đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và “Cờ thi đua của Chính phủ”, Chánh án TANDTC tặng “Cờ thi đua của TAND”…
Theo Thẩm phán Hoàng Xuân Huệ, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên, để đạt được những thành tích trên là nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, của Chi bộ đảng, của ngành cấp trên, sự đoàn kết thống nhất cao của tập thể cán bộ, công chức, Hội thẩm nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong khối nội chính, cấp ủy chính quyền địa phương. Chính vì vậy, năm 2016, TAND huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua mà TANDTC đề ra.
Tại Hội nghị Tổng kết Cụm thi đua số I năm 2016 TAND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, TAND huyện Cẩm Xuyên vinh dự được bình chọn là đơn vị xuất sắc được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” năm 2016.