Sáng tạo kiến trúc cho chợ truyền thống Hà Nội

Xuân Diệp| 04/11/2018 12:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chợ truyền thống (hay thường được gọi là “chợ dân sinh”) là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống và đồ dùng dân dụng, đã quen thuộc cho nhiều thế hệ người Việt. Đây cũng thường là nơi đầu tiên bạn có thể tìm thấy các sản phẩm địa phương.

Với người Việt Nam, đi chợ không chỉ là để mua bán, mà còn để giao lưu, trao đổi câu chuyện và văn hoá giữa các nhóm khác nhau. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, các chợ truyền thống đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị.

Tại nước Mỹ, hệ thống chợ truyền thống đã bị khai tử từ những năm 1950 và thay thế hoàn toàn bằng các siêu thị hiện đại và tiêu chuẩn. Tuy nhiên hiện nay, chính người Mỹ lại đang cố gắng để mở lại các khu chợ ngày xưa, vì những lợi ích đã bị bỏ qua.

Sáng tạo kiến trúc cho chợ truyền thống Hà Nội

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo thời gian, họ đã nhận ra sự quan trọng của những khu chợ như là một không gian công cộng, một nơi quảng bá sản phẩm địa phương, hay đơn giản là một không gian mang lại sinh khí cho những khu dân cư, thông qua các hoạt động và sự kiện cộng đồng.  Không những thế, những khu chợ có thể tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của vùng, miền.

Với những bài học quý giá từ nước bạn, để bảo tồn, duy trì cũng như phát triển những nét văn hoá chợ rất riêng của Việt Nam, tổ chức HealthBridge phối hợp cùng Hội kiến trúc sư Hà Nội và tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.

Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về 03 khu chợ đang sắp được nâng cấp của thành phố Hà Nội, với nhiều tiềm năng phát triển không chỉ về kinh tế, mà còn hướng đến các tiềm năng về việc phát triển thêm các không gian công cộng, cũng như tiềm năng kết nối du lịch cho khu vực, gồm:

Chợ Châu Long: với vị trí đắc địa giữa quận Ba Đình, dễ tiếp cận đến các địa điểm du lịch và các khu cư trú của khác du lịch. Chợ Châu Long còn có một mặt hướng ra hồ Trúc Bạch và chưa được phát huy tiềm năng này.

Chợ Ngọc Lâm: nằm ngay phía dưới chân cầu Long Biên, kết nối với chợ ẩm thực Ngọc Lâm ven sông Hồng. Chợ Ngọc Lâm hoàn toàn có điều kiện để phát huy hơn nữa ngoài chức năng chính là phục vụ nhu cầu dân sinh trong khu vực.

Chợ Hạ - Mê Linh: nằm trên trục di chuyển từ sân bay về trung tâm thành phố Hà Nội, kết nối chặt chẽ với Đền thờ Hai Bà Trưng - khu vực chợ Hạ với nhiều dấu ấn đậm nét về một khu chợ quê truyền thống là niềm cảm hứng để thiết kế và quy hoạch một điểm đến thú vị cho người dân Hà Nội, cũng như khách du lịch.

Trong suốt dự án, các kiến trúc sư không chỉ đưa ra những thiết kế giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn, mà còn đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ của cộng đồng xung quanh đối với khu chợ, đưa ra các đề xuất để giúp các tiểu thương dễ dàng giữ vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như vận hành gian hàng được hiệu quả. 

Kết quả của quá trình nghiên cứu sẽ được thuyết trình trước đại diện của thành phố cũng như ban quản lý các khu chợ truyền thống Việt Nam và cả các tiểu thuơng tham gia buôn bán trong các chợ. Cụ thể: Ngày 2/11/2018 (8.30 - 12.30): thuyết trình sơ lược ý tưởng ban đầu để tham khảo ý kiến của đại diện các ban quản lý chợ và các bên liên quan.

Ngày 3 - 4/11/2018 (dự kiến 10.00 - 15.00) : thu thập đóng góp ý kiến từ tiểu thương và người đi chợ tại chợ Ngọc Lâm về ý tưởng thiết kế

Ngày 6/11/2018 (8.30 - 12.30): thuyết trình thiết kế tổng thể dành cho 3 khu chợ được nghiên cứu

Ngày 16/11/2018:  (dự kiến 8.30 – 12.00): Báo cáo, công bố kết quả dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo kiến trúc cho chợ truyền thống Hà Nội