Quý 1/2014 ngành Nhựa: Lợi nhuận sụt giảm, nợ gia tăng

23/05/2014 10:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo tài chính quý 1/2014 được công bố, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp Nhựa niêm yết đều không mấy khả quan, đa phần là lợi nhuận sụt giảm. Điểm nổi bật nhất lại là việc tăng mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính.

Lãi ròng và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm

Theo thống kê của Vietstock, 2/3 doanh nghiệp Nhựa niêm yết ghi nhận lợi nhuận quý 1/2014 giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất phải kể đến là Nhựa Tân Tiến (TTP), doanh nghiệp này trong quý chỉ ghi nhận 2.1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 77%. “Thủ phạm” khiến TTP giảm lợi nhuận mạnh như trên là chi phí lãi vay đột biến 9 tỷ đồng.

Với Bao bì Dầu thực vật (HOSE: VPK), việc doanh thu thuần giảm 31% xuống 62 tỷ đồng và giá vốn giảm ít hơn chỉ 22% là nguyên nhân làm lợi nhuận ròng sụt giảm đến 73%, đạt 3 tỷ đồng trong quý 1/2014.

Quý 1/2014 ngành Nhựa: Lợi nhuận sụt giảm, nợ gia tăng

Nguồn: VietstockFinance

Tuy đa phần các doanh nghiệp Nhựa đều có lợi nhuận sụt giảm nhưng vẫn tồn tại một vài điểm sáng. Đơn cử như Nhựa Đồng Nai (DNP), quý vừa qua doanh thu thuần bất ngờ tăng gấp đôi đạt 116 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ 61 tỷ đồng), nhờ đó mà lãi ròng đột biến tăng trưởng gấp 10 lần và đạt 2.8 tỷ đồng.

Hay Nhựa Tân Đại Hưng (TPC), Vicem Bao bì Hải Phòng (BXH) đều tăng trưởng lãi ròng trên 40%. Riêng các hai cây đại thụ trong ngành là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong thì khá khiêm tốn với mức tăng trưởng lợi nhuận dưới 5%.

Quý 1/2014 ngành Nhựa: Lợi nhuận sụt giảm, nợ gia tăng

Nguồn: VietstockFinance

Xét đến tỷ suất lợi nhuận gộp, số doanh nghiệp sụt giảm cũng chiếm đa số. Giảm mạnh nhất phải kể đến VPK và Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX: SPP), trong khi quý 1 năm trước, tỷ suất lợi nhuận gộp của VPK, SPP lần lượt là 23%, 22% thì quý này, chỉ số đã giảm gần một nửa còn lại 13% và 12%.

Tăng nợ vay

Một đặc điểm đáng chú ý của các doanh nghiệp Nhựa là hầu hết đều gia tăng sử dụng nợ vay so với cùng kỳ năm trước. Tổng vay và nợ ngắn hạn của 15 doanh nghiệp Nhựa niêm yết tính đến cuối quý 1/2014 là 2,490 tỷ đồng, tăng đến 40%; tổng vay và nợ dài hạn 652 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng thời điểm ở năm 2013.

Theo đó, có doanh nghiệp chỉ tăng vay và nợ ngắn hạn như BMP, NTP; tăng nợ ngắn hạn mà giảm nợ dài hạn như TPC, DTT, BXH, SPP; có đơn vị tăng cả vay ngắn hạn và vay dài hạn như TPP, DNP, AAA…

Đáng chú ý nhất, Nhựa Tân Tiến (HOSE: TTP), tính đến 31/03/2014, doanh nghiệp có khoản vay ngắn hạn 181 tỷ đồng, vay dài hạn 184 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ trước không có. Bởi chỉ mới bắt đầu từ quý 2/2013 doanh nghiệp bắt đầu vay nợ và cũng từ đó mới xuất hiện khoản chi phí lãi vay trên 8.5 tỷ đồng. Đây là một khoản không nhỏ bào mòn lợi nhuận hàng quý.

Được biết, vào đầu tháng 7/2013, HĐQT TPP thông báo quyết định vay ngân hàng định mức 200 tỷ đồng để thực hiện hợp tác đầu tư dự án văn phòng công ty và kinh doanh mặt bằng cho thuê trong tương lai. Trước đó, doanh nghiệp cũng có thông báo sử dụng 55 tỷ đồng từ nguồn vốn vay để mua cổ phiếu CTCP Xây dựng kiến trúc ADEC, CTCP Đầu tư xây dựng kinh doanh Nhà Bến Thành (Coresco) và CTCP Dịch vụ đường cao tốc.

Quý 1/2014 ngành Nhựa: Lợi nhuận sụt giảm, nợ gia tăng

Nguồn: VietstockFinance - Hệ số DER: Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu

Trần Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quý 1/2014 ngành Nhựa: Lợi nhuận sụt giảm, nợ gia tăng