Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu do hạn, mặn

Thành Công| 02/04/2016 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là đối tượng nuôi có khả năng thích ứng với điều kiện độ mặn lên tới 25‰ và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng độ mặn nguồn nước tại các vùng nuôi tôm trong những tháng đầu năm tăng cao dẫn đến tiến độ thả nuôi tôm chậm, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cao. Do đó, cần cấp bách tìm ra giải pháp hữu hiệu để nghề nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đó là nội dung chính tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cà Mau.

Nguy cơ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, giá tôm nằm ở mức khá cao và có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây nhưng nông dân tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Tiền Giang vẫn chưa mạnh dạn thả tôm giống do tình trạng hạn, mặn đang diễn ra gay gắt. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hiện nay là hơn 4.000 ha nhưng đến thời điểm này chỉ mới thả nuôi hơn 2.169 ha (hơn 50%), đáng chú ý là diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chỉ đạt 341 ha (chỉ chiếm hơn 17% diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh của tỉnh).

Theo Sở NN& PTNT các tỉnh ĐBSCL, tại Cà Mau nắng nóng kéo dài và độ mặn nguồn nước tăng cao khiến cho gần 2.700 ha nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến xảy ra dịch bệnh. Đến nay, Trà Vinh đã có 228 ha nuôi tôm bị đốm trắng, gan tụy và hơn 366 ha nuôi tôm sú tập trung ở các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải bị ảnh hưởng.

Theo Chi cục Thủy sản Long An, do nước mặn sớm nên từ đầu năm đến nay, các xã của huyện Cần Giuộc như: Tân Tập, Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây… đã có 280 ha bị thiệt hại, chiếm gần 60% diện tích nuôi tôm nước lợ thả nuôi ở địa phương này.

Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu do hạn, mặn

Tình trạng độ mặn nguồn nước tại các vùng nuôi tôm trong những tháng đầu năm tăng cao dẫn đến tiến độ thả nuôi tôm chậm

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), con tôm bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, nhất là đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Nguyên nhân là do khi độ mặn tăng cao trên 25‰ thì người nuôi tôm cần phải có nguồn nước ngọt bổ sung, thay nước để làm giảm độ mặn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng tính đến hết tháng 2/2016 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 với tổng diện tích thả nuôi là 368.000 ha, đạt khoảng 50% kế hoạch. Tiến độ thả tôm giống những tháng đầu năm 2016 chậm là do người nuôi chỉ thả giống thăm dò trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Diện tích thả nuôi giảm đồng nghĩa với sản lượng tôm phục vụ chế biến xuất khẩu thấp, dẫn đến thiếu hụt tôm nguyên liệu trong các tháng tiếp theo.

Chủ động đối phó với hạn, mặn

Để hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến hoạt động nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh trong năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang chỉ đạo các đơn vị có liên quan địa phương chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nuôi thủy sản. Cụ thể, tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi, thực hiện chế độ lấy mẫu (tăng cường) quan trắc, cảnh báo môi trường và mầm bệnh và có khuyến cáo kịp thời, thích hợp cho người nuôi tôm ven biển Gò Công.

Ở những vùng nuôi trên 25‰, Sở khuyến cáo người nuôi không nên lấy nước vào ao thả nuôi, còn đối với các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, người dân cần theo dõi chặt chẽ độ mặn của nguồn nước cấp để hạn chế tình trạng sốc độ mặn khi lấy nước vào đầm nuôi.

Tại Kiên Giang, Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, trước tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt Sở đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi chặt chẽ yếu tố độ mặn và thực tế có những vùng nuôi tôm có độ mặn nguồn nước lên tới 30‰ gây bất lợi cho tôm nuôi. Để hạn chế thiệt hại do độ mặn tăng cao, Sở khuyến cáo người dân thận trọng, không vội nuôi tôm lúc này sẽ dễ thiệt hại mà nên chờ mưa xuống mới tiến hành thả nuôi.

Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu do hạn, mặn

Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cao 

Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị: Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, sớm có quyết định đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi mang tính quyết định cho vùng ĐBSCL. Ngoài các công trình lớn, Trung ương cần hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trong vùng xây dựng các công trình thủy lợi ở cấp tiểu vùng, cấp khu vực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho rằng: Cần điều chỉnh, kiện toàn hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, tăng cường đầu tư quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung. Cùng với đó, cơ cấu lại đối tượng nuôi, mùa vụ sản xuất, áp dụng phương thức, hình thức nuôi phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường.

Phát biểu chỉ đạo Hội Nghị, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Tới đây, Bộ sẽ tăng cường nguồn vốn đầu tư cho ngành thủy sản, tăng cường hỗ trợ các địa phương có tình hình xâm nhập mặn trong công tác quan trắc cảnh báo môi trường…”.

Để hạn chế tác động của hạn hán và xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu: Trong năm 2016, các cơ quan, ban ngành và các địa phương tập trung các giải pháp để ổn định sản xuất cho người nuôi, đảm bảo không để sản lượng tôm nuôi giảm, cần thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan cần rà soát quy hoạch thủy lợi, thống nhất giữa quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong vùng và cần có giải pháp điều tiết nước cục bộ giữa các địa phương.

Riêng về mặt kỹ thuật, cần phải tăng cường, điều tiết lại lịch thời vụ cho linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn, nghiên cứu các loại giống thích hợp, chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường các biện pháp nâng cao năng suất, sản lượng ở các vùng nuôi tôm sinh thái, tôm-lúa, tôm-rừng để bù cho sản lượng nuôi công nghiệp có nguy cơ giảm. Nghiên cứu tổ chức lại sản xuất, các hộ nhỏ lẻ phải tập hợp lại, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi bền vững, tạo thương hiệu cho tôm nuôi để tăng sức cạnh tranh…

Theo Bộ NN&PTNT, hiện tại các hộ nuôi cơ bản thu hoạch xong vụ đông, đang tu bổ đê, kè chuẩn bị việc thả giống cho vụ xuân hè năm 2016. Nhiều diện tích nuôi đã cải tạo, chuẩn bị ao hồ xong nhưng tình hình thời tiết thay đổi bất thường, không khí lạnh đột ngột ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ở miền Nam đã làm chậm tiến độ thả nuôi so với năm 2015.

Môi trường ao nuôi biến động làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, gây bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng không chỉ gây khó khăn cho người nuôi tôm mà còn ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến.

Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL trong 3 tháng đầu năm 2016, diện tích nuôi tôm sú ước đạt 505.981 ha (tăng 3%) với sản lượng ước đạt 34.958 tấn (tăng 1%); diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 15.139 ha (giảm 2%), với sản lượng ước đạt 18.980 tấn (giảm 2%).

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu do hạn, mặn