Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2014

PV| 31/07/2014 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách hỗ trợ ngư dân, chính sách khuyến khích xã hội hóa; quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng; quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2014.

Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2014

Ảnh minh họa

Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, kể từ ngày 25/8/2014, ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; các dự án cảng cá loại I và loại II và khu neo đậu tránh trú bão thuộc tuyến đảo; các dự án do Bộ, ngành trung ương quản lý thuộc hạng mục hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống; hạ tầng vùng nuôi trông thủy sản tập trung trên biển… Chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp. Thời hạn vay tới 11 năm. Lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất là 3%/năm.

Một số quy định mới khi thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa

Theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, môi trường, kể từ ngày 1/8/2014, có thêm một lĩnh vực xã hội hóa, đó là giám định tư pháp. Các bộ, ngành chuyên quản trong lĩnh vực xã hội hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu khuyến khích xã hội hóa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có để cho cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê có thời hạn…

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng

Theo Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ ngày 1/8/2014, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Cơ cấu tổ chức cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có 11 đơn vị trực thuộc.

Xác định giá tính thu tiền sử dụng đất

Theo Thông tư 76/2014/TT- BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, kể từ ngày 1/8/2014, trường hợp được Nhà nước giao đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định được xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư quy định tại Nghị định của Chính phủ về giá đất.

Trường hợp được Nhà nước giao đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các  tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định bằng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất.

Công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

Theo Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, kể từ ngày 5/8/2014, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu phải công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, các đối tượng công bố thông tin phải có văn bản báo cáo và giải trình cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu…Các thông tin phải công bố, gồm: báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo năm của doanh nghiệp; chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp…

Quy định mới về chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ quy định: kể từ ngày 5/8/2014, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ có 24 đơn vị trực thuộc.

Về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Theo Nghị định số 57/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (gọi tắt là SCIC), từ ngày 6/8/2014, SCIC hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và theo Điều lệ này. Vốn điều lệ của SCIC là 50.000 tỷ đồng. Hội đồng thành viên của SCIC có 7 thành viên, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước

Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, kể từ ngày 6/8/2014, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực; 7 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; 8 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần; 9 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần.

 Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, kể từ ngày 7/8/2014, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; có tài năng đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước; có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"…

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú" gồm: Các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định này; có tài năng đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể địa phương; có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên…

Quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh

Theo Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 8/8/2014, sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 3 như sau: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng 70% tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu: các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 124/2004/NĐ-CP); các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%…, nhưng tổng số bổ sung có mục tiêu không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đối với các khoản thu quy định tại khoản này. Ngoài ra, Nghị định sửa đổi Khoản 3 về tổng dư nợ các nguồn vốn huy động, bổ sung thêm khoản 4 Điều 5 về các khoản vay.

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân

Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân quy định, kể từ ngày 15/8/2014, các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô về tổ chức và hoạt động, yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bố trí công chức thanh tra làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Ngoài ra, cần bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân trung ương; điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa người của Ban Tiếp công dân trung ương với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2014