Lấy dân làm gốc…!!!

Lý Hay Chuyện| 09/10/2014 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc sống vốn rất khó để đạt đến sự hoàn hảo, vì đơn giản việc gì cũng có tính hai mặt của nó. Và đôi khi con người buộc phải hy sinh những lợi ích nhỏ để phục vụ cho mục đích chiến lược, lớn lao hơn.

Tỷ như chuyện UBND TP.HCM đang “can đảm” vượt qua “búa rìu dư luận” để triển khai các dự án “thế kỷ” như cầu vượt Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2), công trình nhà ga tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên hay nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Huệ. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người dân lại bức xúc, phản đối trước các dự án phục vụ cho lợi ích của chính họ, cho sự phát triển bền vững của thành phố văn minh bậc nhất Việt Nam?

 

Thực ra vấn đề này không khó để giải đáp, bởi UBND TP.HCM đã tự ý quyết định tất cả. Tiếng nói của người dân bị “bỏ rơi” hoặc chẳng ai biết mà nói. Để đến lúc những hộ dân nằm trong diện quy hoạch phải thảng thốt: “Chúng tôi không được lấy ý kiến về phương án thực hiện, không được hỏi ý kiến, không biết thông tin quy hoạch... trước khi triển khai”. Thế nên, người dân mới cảm thấy quyền lợi của mình bị xem thường.

 

Việc những người dân sống trong khu quy hoạch bị thiệt hại về mặt kinh tế vì không phản ứng kịp tốc độ thi công chỉ là chuyện nhỏ. Cái chính ở đây là cơ quan chức năng luôn sử dụng “thượng phương bảo kiếm” để áp đặt. Về cơ bản, nó đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ chúng ta đang theo đuổi. Nói về vấn đề này, vị chủ tịch UBND một quận ở TP.HCM thừa nhận: “Đối với các dự án ảnh hưởng đến người dân, chính quyền nên tổ chức lấy ý kiến của người dân từ khi còn dự thảo phương án bồi thường, phương án thi công... để người dân có cơ hội được đóng góp ý kiến”. Vậy nhưng, chúng ta lại có thói quen đặt người dân vào thế đã rồi. Thử hỏi sự bức xúc làm sao không dồn nén?

 

“Phải nghe dân trước khi làm dự án” - là khẩu hiệu được tất cả các cơ quan, ban ngành quán triệt. Việc lấy ý kiến của người dân khi xây dựng quy hoạch, phải công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt, lấy ý kiến của dân khi thực hiện dự án, dự thảo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng... đều được quy định trong luật. Thế nhưng, nhiều đơn vị có thẩm quyền lại làm sơ sài, hình thức, đối phó, “làm cho có”, không đến nơi đến chốn nên thông tin không đến với người dân. Xem ra bài học “lấy dân làm gốc” đang bị xem nhẹ.

 

Sự cấp thiết đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển xã hội là điều không cần bàn cãi. Đây là thước đo cho tốc độ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam thành nước công nghiệp trong tương lai gần. Kết quả của việc này sẽ hoàn hảo hơn khi chính quyền và người dân cùng đồng lòng chung sức. Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng, việc người dân bức xúc, phản đối là phần lỗi thuộc về cơ quan hữu quan. 

 

Đành rằng, cán bộ cũng chỉ là người “làm dâu trăm họ” nên khó vừa lòng tất cả… nhưng mọi chuyện đều có cái lý cái tình của nó. Thiết nghĩ, khi người ta biết dung hòa lợi ích của người dân vào lợi ích chung thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Chẳng phải Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy dân làm gốc…!!!