Kỷ niệm 58 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng: Vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc

Nam Hoàng| 03/03/2017 14:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có đi qua những vùng biên viễn thậm cam khó, xa xôi mới thấy hết được mồ hôi công sức, máu xương của ông cha để lại trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên dáng hình đất nước Việt Nam hôm nay.

Ở những vùng đất ấy, giờ lớp lớp thanh niên đã và đang mang sức trẻ và trí tuệ của mình để phát huy và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ trước trao truyền.

“3 bám, 4 cùng” với đồng bào

 Với  đường biên giới dài  hơn 4.600 km chung với các nước  Lào, Trung Quốc  và Campuchia, nước ta có 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã, thành phố và 435 xã, phường, thị trấn có đường biên giới trên đất liền.  Trên hơn 4.600 km ấy có thể nói không một tấc đất nào không in dấu chân của những cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Các anh chính là lá chắn thép, là chỗ dựa vững vàng của đồng bào miền biên ải.

Đồng thời, với trách nhiệm chính trị của mình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính mang quân hàm xanh ấy vẫn kiên trì bám dân, kiên trì xây dựng cơ sở chính trị, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nghiêm chỉnh chấp hành mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Chính các anh – những chiến sĩ quân hàm xanh đã góp phần to lớn trong củng cố, xây dựng thế trận lòng dân trên địa bàn biên giới, lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Kỷ niệm 58 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng: Vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc

Phút thư giãn của người lính biên phòng sau ngày làm việc

Trong những năm gần đây, nhiều phong trào của BĐBP nói chung và các thế hệ đoàn viên, thanh niên của BĐBP nói riêng đã đem lại hiệu quả thiết thực như: "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới"… cùng các mô hình "Trạm xá quân dân y kết hợp", "Lớp học tình thương", giúp dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống… đã góp phần đem lại cuộc sống mới cho đồng bào các dân tộc, mang ý nghĩa chính trị và nhân văn cao cả, làm sáng mãi phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", góp phần làm "ấm lòng dân" nơi biên giới. Với đồng bào, những chiến sĩ quân hàm xanh không chỉ là chỗ dựa vững chắc mà họ còn là những người thân trong gia đình.

Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, các đồn biên phòng trên biên giới đã thật sự sâu sát đời sống của đồng bào các thôn, bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, hết lòng phục vụ nhân dân, tiếp tục có nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực để chăm lo cho đời sống nhân dân. Có lẽ chỉ nơi biên giới mới có cảnh bộ đội biên phòng là thầy giáo, thầy thuốc và cũng là những “kỹ sư nông nghiệp” dạy dân sản xuất. Thông qua các hoạt động của mình các anh vừa giúp dân nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ với đồng bào biên giới.

Từ kinh nghiệm đã được đúc kết qua bao thế hệ: Nếu làm tốt “3 bám, 4 cùng” như “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương”, người lính biên phòng có thể dễ dàng nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để từ đó đưa ra được những quyết sách phù hợp, đúng đắn.Đồng thời, việc bám sát thực tiễn, tăng cường đối thoại cũng giúp thắt chặt tình quân dân nơi biên giới.

Bên cạnh đó, không chỉ tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bộ đội biên phòng chính là lực lượng nòng cốt tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân đấu tranh với những tiêu cực lạc hậu, những tệ nạn xã hội để xây dựng môi trường sống lành mạnh nơi biên cương.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”

 Để có một biên cương vững vàng, sáng rỡ như hôm nay, những người lính biên phòng đã phải hy sinh, chịu đựng rất nhiều khó khăn, vất vả. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng phần lớn các anh đều phải sống xa gia đình, xa vợ con, nhiều khi đến nửa năm mới được về phép có một lần. Thậm chí có anh vợ ốm, con đau cũng chỉ biết viết thư, gọi điện về thăm hỏi, vì đường xá xa xôi, vì nhiệm vụ. Gần như mỗi đồn biên phòng đều có một nhóm gọi là "Nhóm xa vợ", trong đó phần đông lính trẻ.

Nằm trên một quả đồi, Đồn Biên phòng Bản Máy được bao quanh bởi những hàng cây long não cao vút trồng từ thời Pháp. Đứng ở cổng đồn nhìn xuống, chỉ thấy núi và một màu xanh ngút ngàn. Những bản làng của người Tày, Nùng, người La Chí nép mình bình yên bên núi. Và dòng Suối Đỏ, ngoằn ngoèo như một dải lụa mềm ôm trọn lấy núi đá, là ranh giới phân chia nước ta và nước bạn.

Kỷ niệm 58 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng: Vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc

Trên đường tuần tra

Bản Máy gồm có 4 thôn và 5 dân tộc cùng chung sống, chủ yếu là người Nùng, Tày, Mông sống rải rác. Đây được gọi là địa bàn ba sạch: Không ma túy, không di cư, không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Để có được thành quả đó, những người lính biên phòng ở đây đã thực hiện triệt để phương châm "4 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con để hòa nhập vào đời sống của họ. Và cũng chính vì "4 cùng" ấy, phần lớn anh em trong đơn vị đều thuộc "biên chế" trong "Nhóm xa vợ".

Có một điều đặc biệt ở đây là vợ của anh em trong đồn hầu hết đều làm nghề giáo. Lý do đơn giản để họ chọn vợ giáo viên là ổn định và có thể chia sẻ với những người chồng quanh năm xa nhà, coi đồn biên phòng là nhà, biên giới là quê hương như các anh. Người may mắn lấy vợ ở tỉnh Hà Giang còn có cơ hội được về hoặc thỉnh thoảng đón vợ lên thăm, còn những người lấy vợ tỉnh xa thì đều phải chịu cảnh "Ngưu Lang - Chức Nữ".

Chính vì cách trở như thế, nên anh em ở đây thường tếu táo: "Chúng tôi gần như quán triệt "phương châm" là "không bao giờ được giận vợ". Thiếu tá Đặng Quốc Phong, Chính trị viên phó đồn bảo: "Đó là bởi "gặp nhau lần nào cũng vội, chẳng đủ để mà giận dỗi", hơn nữa, mọi người ở đây đều thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà vợ mình phải vượt qua khi làm vợ lính biên phòng". Anh Phong, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc, là người gắn bó lâu năm với Đồn Biên phòng Bản Máy. Tốt nghiệp đại học, anh đầu quân về đây, sau đó qua thực tế ở Lũng Làn, Đồn Biên phòng Thanh Thủy và cuối cùng lại về Bản Máy. Vợ anh cũng là giáo viên. Anh yêu biên giới và gắn bó với mảnh đất này như là quê hương của mình. Có lần, khi vợ sinh đứa con thứ hai, anh Phong đề nghị đặt tên là Sơn Vĩ, để nhớ về một vùng đất anh đã từng công tác, nhưng chị vợ nhất định không chịu. Đơn giản, vì chị không muốn nhớ lại quãng thời gian xa nhau.

 Lá chắn thép nơi biên cương

Gắn bó với cuộc sống miền biên ải nhiều gian khổ, thiếu thốn, nên các cán bộ chiến sĩ ở đây luôn xác định giúp đỡ đồng bào biên giới phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no là việc làm thường xuyên. Thậm chí có những người còn dùng đến cả đồng lương của mình để giúp cho dân, vì họ quá nghèo. Như trường hợp của Đại úy Vũ Hữu Hoàn, cán bộ trậm quân y đồn biên phòng Bản Máy. Anh Hoàn, quê anh ở tỉnh Hải Dương, mới chuyển từ Đồn Biên phòng Lũng Làn về đây được hai năm. Do thuốc men khan hiếm, cộng với những hủ tục lạc hậu của người vùng cao khiến công việc của anh vô cùng vất vả. Nhiều khi thấy đồng bào ốm đau, ăn uống lại kham khổ quá, anh Hoàn còn trích một phần tiền lương để mua đường sữa tặng đồng bào.

Từ những nghĩa tình như thế, đồng bào ngày càng tin tưởng và quý trọng anh em trong đồn. Thậm chí có người đi mất nửa ngày đường lên đồn biên phòng để chỉ mời bằng được "bác sĩ Hoàn và bộ đội về ăn giỗ". Tận tụy với công việc, hết lòng với đồng bào như vậy, nhưng có một điều luôn khiến anh Hoàn canh cánh trong lòng. Đó là mọi công việc ở nhà từ chăm sóc con cái đến phụng dưỡng cha mẹ già, anh đều phó thác cho vợ. Nhiều khi vợ ốm con đau, nhưng vì nhiệm vụ, anh cũng không thể rời vị trí của mình để về thăm. Những lo lắng, yêu thương đành dồn cả vào trong các lá thư, dù những lá thư ấy gửi về cũng phải mất nửa tháng trời mới đến được tay người nhận…

Kỷ niệm 58 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng: Vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc

Đối với mỗi người lính biên phòng, mỗi tấc đất quê hương đều gắn bó như máu thịt

Cam khó là thế, nhưng đối với mỗi người lính biên phòng, mỗi tấc đất quê hương đều gắn bó như máu thịt khiến các anh sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ như lời thề thiêng liêng của bộ đội biên phòng Việt Nam: “Giang sơn gấm vóc này, chúng con nguyện muôn đời gìn giữ”. Nhờ tinh thần ấy đã hun đúc thành quyết tâm của quân dân vùng biên ải: "Quyết giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc".

Và cũng nhờ tinh thần ấy, tinh thần hy sinh cao cả, vượt qua mọi khó khăn thử thách của hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ biên phòng trên cả nước mà biên cương hôm nay vẫn vẹn tròn một dải từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau. Lực lượng của những chiến sĩ Biên phòng đứng trước một kỉ nguyên mới đầy cơ hội và thách thức. Nhưng tin tưởng rằng, với những chiến công mà các thế hệ cha anh đã gây dựng bao năm qua và những chiến công trên biên giới hôm nay sẽ nối tiếp, đan kết vào nhau để tạo thành lá chắn thép biên cương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 58 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng: Vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc