Không giao cho cấp xã thẩm quyền ban hành văn bản là bất hợp lý, là loại bỏ năng lực cấp cơ sở; Chánh án TANDTC không được ban hành Thông tư là không đúng quy định của pháp luật và không phù hợp với yêu cầu thực tế...
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị các đại biểu chuyên trách của Quốc hội khi cho ý kiến về Luật Ban hành văn bản, ngày 15/4.
Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản cấp xã là bất hợp lý
Thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (Luật BHVB), các đại biểu (ĐB) cơ bản đồng tình với việc để tên dự thảo Luật là Luật Ban hành VBQPPL và cho rằng, văn bản pháp luật gồm các loại khác nhau như VBQPPL, văn bản hành chính.
Về thẩm quyền ban hành VBQPPL, dự thảo Luật hiện nay quy định: HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết; UBND cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của QH giao ban hành nhưng đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã.
Nhất trí với quy định về thẩm quyền của cấp huyện trong việc ban hành VBQPPL. Song, nhiều ý kiến không đồng tình với việc bỏ thẩm quyền này của cấp xã.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại hội nghị
ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội đề nghị cân nhắc một cách thận trọng vấn đề này bởi thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã đã được hiến định, việc chính quyền cấp xã không được ban hành VBQPPL là không hợp lý. Nếu bỏ thẩm quyền trên của cấp xã dẫn tới một loạt bất cập, trái với các quy định quản lý phân cấp đối với chính quyền cấp xã của các luật như Luật Ngân sách…
Trong một số trường hợp cụ thể, chính quyền cấp xã khi thực thi chức năng giám sát cộng đồng phát hiện thấy vấn đề nhưng nếu HĐND xã không có thẩm quyền ra văn bản thì không thể giải quyết được. “Nếu chất lượng ban hành nghị quyết, quyết định của chính quyền cấp xã thấp, kém chủ động, sáng tạo thì phải tạo cơ chế để cải thiện, thay vì bỏ thẩm quyền này”, ĐB Thụ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) chỉ ra rằng, xã là chính quyền địa phương, là đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân nhưng lại không có thẩm quyền ra các nghị quyết để có thể thực hiện công tác giám sát, kiểm tra là không hợp lý. ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) thì nhận định, việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã là loại bỏ năng lực của cấp cơ sở.
Đề nghị không bỏ thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC
Liên quan đến thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC, dự thảo Luật đã bỏ không quy định thẩm quyền này nhưng lại quy định, Viện trưởng VKSNDTC được ban hành Thông tư.
UBTVQH cho rằng, theo quy định của dự thảo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thẩm quyền ban hành Nghị quyết quy định chi tiết các vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước giao; tổng kết việc áp dụng pháp luật, thông qua công tác giám đốc việc xét xử, hướng dẫn việc thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử. Mặt khác, thực tiễn cho thấy, từ năm 2009 đến nay, Chánh án TANDTC ban hành rất ít Thông tư. Do đó, nếu cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thẩm quyền ban hành Nghị quyết. Vì vậy, đề nghị không nên giao cho Chánh án TANDTC thẩm quyền này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn và trái luật nên đề nghị không bỏ thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC mà giữ nguyên như Luật hiện hành.
Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu ý kiến
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành. Vì căn cứ vào Luật Tổ chức TAND vừa được thông qua đã quy định nhiệm vụ của Chánh án TANDTC, của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nếu quy định như vậy thì không sát với Luật. Cụ thể, ngoài chức năng xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật, Luật còn giao cho TANDTC đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh khác của TAND; quản lý TAND, TAQS các cấp về tổ chức theo quy định của pháp luật.
Đây là chức năng hành pháp và cũng giống như chức năng cơ quan Bộ khác thì không có lý gì bỏ đi quy định này. Nếu nói rằng, Tòa án có Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Hội đồng này có thẩm quyền ban hành nghị quyết quy định chi tiết các vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước giao... là không đúng. “Nếu xây dựng như vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiều quyền, mà quyền đó lại trái với Luật Tổ chức Tòa án”, Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh.
Về Thông tư liên tịch của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBTVQH cũng đề nghị không quy định thẩm quyền này trong dự thảo Luật.
UBTVQH cho rằng, trong thời gian qua, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và một số Bộ trưởng đã phối hợp ban hành các thông tư liên tịch là cần thiết do pháp luật về tố tụng chưa hoàn thiện. Đến nay, các dự án Luật, Bộ luật trong lĩnh vực này đều đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn. Do đó, các vấn đề về tố tụng cần được quy định chi tiết trong các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Trong trường hợp thật cần thiết, UBTVQH ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật, Bộ luật về tố tụng mà không nên tiếp tục ban hành thông tư liên tịch.
Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành trong lĩnh vực tư pháp là văn bản rất có tác dụng nên cần giữ lại để tránh trường hợp các VBQPPL trong lĩnh vực này chỉ nói chung chung, khiến luật không thi hành được.
ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc việc bỏ Thông tư liên tịch của liên ngành tư pháp do nhiều quy định trong lĩnh vực tư pháp hiện phải có các thông tư hướng dẫn mới thực hiện được.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị không bỏ thẩm quyền này vì nhiều văn bản pháp luật của chúng ta hiện nay ban hành không rõ ràng, minh bạch, nếu bỏ thì việc thi hành pháp luật sẽ rất khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, Luật ban hành chưa có hiệu lực đã kiến nghị sửa đổi rồi, nếu bỏ thông tư liên tịch thì rất khó áp dụng. “Nhiều văn bản pháp luật khi ban hành không rõ ràng, tên rất hay nhưng khi thi hành thì có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến cách vận dụng khác nhau”, ĐB Thuyền nhấn mạnh.
Còn Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đề nghị cần giữ nguyên như Luật hiện hành vì đó là nhiệm vụ cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.