Khi mỗi nhà báo có khát khao sáng tạo ra tác phẩm khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội phát triển tiến bộ hơn mà không vấn vương một chút lợi ích cho cá nhân hay người thân, thì đó chính là khi báo chí đang hướng vào lòng dân.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, xu hướng cơ chế thị trường đang tạo ra áp lực gay gắt giữa việc thông tin báo chí phục vụ mục đích chính trị và xã hội hoá thông tin như một loại hàng hoá. Hơn lúc nào hết, việc mỗi nhà báo có khát khao “hướng báo chí vào lòng dân” là điều kiện cần và đủ, là kim chỉ nam giúp cho Toà soạn và các nhà báo luôn giữ được “bút sắc, lòng trong” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các phóng viên sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Cách đây tròn 92 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã xuất bản số đầu tiên, mở đầu trang sử truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường vẻ vang, đầy gian khổ, hy sinh để trưởng thành và phát triển. Báo chí cách mạng đã phát huy vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thấy hân hoan niềm tự hào vì những người làm báo Việt Nam đã và đang xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Báo chí đã làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.
Thời gian qua, báo chí nước ta thông tin ngày càng nhanh nhạy, kịp thời với nội dung ngày càng đa dạng, phong phú. Từ những quyết sách lớn của Ðảng, Nhà nước trong đối nội, đối ngoại, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đến đời sống dân sinh như lao động việc làm, học hành, chăm sóc sức khỏe người dân… Báo chí với vai trò tuyên truyền, cổ động đã khởi xướng nhiều chương trình nhân ái, phong trào xây dựng đất nước trong và ngoài nước giúp cải thiện đời sống nhân dân, làm giàu cho quê hương đất nước. Đặc biệt, báo chí đã góp phần không nhỏ làm cho việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng lan toả trong toàn Ðảng, toàn dân và gần đây là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Bên cạnh sự đóng góp to lớn và tích cực đó, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận trong thực tiễn hoạt động báo chí cũng đã xuất hiện và tồn tại nhiều khuyết điểm, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Biểu hiện cụ thể đó là: Một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo tha hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ dẫn đến một số biểu hiện vi phạm pháp luật. Trong đó có tình trạng báo chí câu kết với doanh nghiệp đưa ra những thông tin không đúng sự thật hoặc sự thật bị bóp méo, bị cắt xén phục vụ cho việc cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây hại cho người tiêu dùng.
Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về thông tin, do sa vào khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, nhiều toà soạn cho ra đời những ấn phẩm phụ với nội dung chưa thiết thực, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít độc giả; trong thông tin còn sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đó là chưa kể ở góc độ tác nghiệp, nhiều nhà báo không chịu khó đi thực tế mà thường ngồi bàn giấy, quán cà phê, dựa vào mạng internet để kiếm thông tin, dựa vào thông tin đồng nghiệp “chia sẻ” qua email để viết bài, đưa tin, tùy tiện, bịa đặt hư cấu thêm thông tin, chi tiết trong tác phẩm, dẫn đến nhiều tin, bài đăng tải không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư người nổi tiếng, mê tín dị đoan…
Về vấn đề đạo đức của người cầm bút, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn căn dặn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”,…. “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Ðảng, Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".
Lời của Bác cũng đã được Đảng ta hiện thực thành chủ trương phát triển báo chí cách mạng. Trên thực tế, báo chí Việt Nam đã trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, đưa những chủ trương, quyết sách đến với người dân nhằm tập hợp sức mạnh tập thể xây dựng đất nước phát triển tiến lên; đồng thời tinh thần “gần dân, sát dân” để lắng nghe hơi thở từ hiện thực cuộc sống cũng như ý chí, nguyện vọng của người dân luôn thấm nhuần trong từng câu nói, hành động của những người làm công tác quản lý và thực thi báo chí.
Liên quan việc các cơ quan báo chí cần hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; các phóng viên, nhà báo phải giữ vững đạo đức người làm báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh: Đảng lãnh đạo báo chí và Nhà nước quản lý báo chí, dù lãnh đạo hay quản lý đều tuân thủ nguyên tắc của Đảng và nguyên tắc pháp quyền, báo chí không bị kiểm duyệt. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí phải tuân thủ điều lệ Đảng, không làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo của Đảng. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, định hướng của Đảng là hướng báo chí vào các hoạt động ích nước lợi dân, vào các hoạt động chống tham nhũng, chống quan liêu, chống tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vào việc đề cao điều thiện, chống lại điều ác. Đó cũng chính là lòng dân. Cho nên định hướng của Đảng chính là hướng báo chí vào lòng dân, ngăn ngừa báo chí vi phạm pháp luật, đi ngược lại lòng dân.
Vậy nhà báo hướng báo chí vào lòng dân thế nào? Điều tiên quyết cũng là kim chỉ nam xuyên suốt đó là, mỗi nhà báo phải xác định rõ mình là một chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa của Đảng. Vì thế, phải không ngừng học tập phong cách, đạo đức làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối. Đối tượng phục vụ chính của báo chí là nhân dân. Mỗi nhà báo phải luôn xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ để người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước mà tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Làm được như thế tức là nhà báo đã thể hiện được giá trị cốt lõi nhất trong đạo đức nghề báo.
Mỗi người làm báo không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, kiến thức nền về xã hội, tạo cơ sở để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Đây là yếu tố trọng tâm giúp các nhà báo có thể “chắc tay bút” trong quá trình tác nghiệp. Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy. Đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Và một bài học “nằm lòng” cũ nhưng vẫn luôn mới mà mỗi nhà báo đều phải luôn có trong hành trang của mình, đó là cho dù phóng viên trẻ mới vào nghề hay nhà báo lão luyện, có chuyên nghiệp đến đâu, thì trước sáng tạo tác phẩm phải trả lời được các các câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”. Trả lời những câu hỏi này không chỉ đơn thuần là hoàn thành quy trình sáng tạo một tác phẩm, mà ở đó còn thể hiện cách cảm, cách nghĩ, thế giới quan của mỗi người cầm bút khi khát khao mang đến cho người đọc một sản phẩm tinh thần có giá trị, nhằm khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiểu đơn giản, đó chính là chữ Tâm, là sự nhân văn trong mỗi người cầm bút. Và chắc chắn, khi mỗi nhà báo có khát khao sáng tạo ra tác phẩm khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mà không vấn vương một chút lợi ích cho cá nhân hay người thân, thì đó chính là khi báo chí đang hướng vào lòng dân.