Cần những bước tiến mạnh mẽ hơn để chống lại loại tội phạm tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã, cần đưa loại tội phạm này ra pháp luật", Hoàng tử Vương quốc Anh William nhấn mạnh
Ngày 17/11, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã đã khai mạc tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Lào Sonxay Siphandone; Ngài William - Hoàng tử Vương Quốc Anh, Công tước xứ Cambridge; Ngài Yury Fedotov, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc… cùng một số Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ chuyên ngành, các Trưởng đoàn của 47 quốc gia, Liên minh châu Âu, 7 tổ chức quốc tế, hơn 40 tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ với khoảng 250 đại biểu và hơn 50 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.
Buôn bán động, thực vật hoang dã vượt khỏi khuôn khổ quốc gia
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Từ nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đến việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp. Việt Nam đã thiết lập được các khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên từ những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay đã có một hệ thống Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài với diện tích trên 2,2 triệu ha.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị
Những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài độngvật, thực vật hoang dã không còn nằm trong khuôn khổ một quốc gia. Hoạt động buôn bán trái pháp luật mẫu vật động vật, thực vật hoang dã ở quy mô toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn bán ngà voi, sừng tê giác, tê tê, các loài mèo lớn, các loài linh trưởng, gỗ... Các hoạt động này có sự tham gia của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế, đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài nguy cấp, gây bất ổn an ninh, xã hội, làm xói mòn nỗ lực phát triển bền vững, các mục tiêu thiên nhiên kỷ của Liên hợp quốc trong bảo vệ môi trường và phát triển con người.
Mặc dù đã có các cơ chế hợp tác quốc tế thông qua các công ước và thể chế như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp, Hải quan thế giới, Cảnh sát hình sự quốc tế và có đầy đủ công cụ để thực thi, nhưng nếu không hành động có trách nhiệm và quyết liệt ngay từ hôm nay, tương lai sẽ vĩnh viễn không còn được thấy nhiều loài động vật hoang dã mà phải trải qua hàng triệu năm tiến hóa mới có được.
Sự biến mất các loài động vật, thực vật hoang dã còn trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, môi trường sinh thái và an toàn của con người.
Đây là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia đơn lẻ nào, một ngành hay một cấp nào có thể thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang đã quý hiếm nếu thiếu một cơ chế hợp tác toàn diện, một cam kết hành động ở cấp cao.
Vì vậy, để bảo vệ hiệu quả các loài động vật, thực vật hoang dã, cộng đồng quốc tế cần có một cách tiếp cận tổng thể, trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật; xóa bỏ các thị trường tiêu thụ bất hợp pháp, thực hiện các chiến dịch giảm và không còn tiêu dùng động vật, thực vật hoang dã trái phép; phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên và tăng cường hợp tác, điều phối quốc tế.
Biến các cam kết, tuyên bố thành hành động cụ thể
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, một trong những công việc khá nặng nề của hội nghị lần này là cần đánh giá lại tình hình thực hiện các tuyên bố để phân tích kỹ hơn những cam kết mà cộng đồng quốc tế, các quốc gia thành viên đã hoàn thành; xác định các thách thức, trở ngại trong hoạt động đấu tranh với vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã. Ngay từ hôm nay, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp, khiến các cam kết, tuyên bố thành công bền vững, các quốc gia cần biến các cam kết, các tuyên bố thành các hành động cụ thể và cần một cơ chế để giám sát có hiệu quả các hành động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã.
Hoàng tử Vương quốc Anh, ngài William: "Mọi người cần nhận thức rõ các loài động vật, thực vật hoang dã bị tuyệt chủng là mất mát lớn của toàn cầu". Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Theo Hoàng tử Vương quốc Anh, ngài William: Nhiều nước trên thế giới đã tham gia thực thi tuyên bố, kêu gọi chống và chấm dứt buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã. Có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn rất chậm so với thực trạng, những nhóm tội phạm có tổ chức đang leo thang nhanh hơn so với 2 năm trước đây. Chúng ta phải thừa nhận thực tế mong muốn của người tiêu dùng làm cho các loại tội phạm này có nhiều cơ hội để phát triển. Vẫn còn nhiều thách thức phía trước, những loài tê tê, tê giác, voi vẫn tiếp tục bị săn bắt. Câu hỏi đặt ra là liệu nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đã làm đủ để hiện thực hóa những tuyên bố đã được đưa ra.
Bởi vậy, chúng ta cần có những biện pháp thông minh hơn, những bước tiến mạnh mẽ hơn để chống lại loại tội phạm này, cần đưa loại tội phạm này ra pháp luật, kể cả những thành phần tham nhũng, để xảy ra tình trạng tội phạm này leo thang.
Mọi người cần nhận thức rõ các loài động vật, thực vật hoang dã bị tuyệt chủng là mất mát lớn của toàn cầu. Cần có nhiều gương mặt trẻ tham gia vào quá trình chống buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã vì lợi ích của những loài động, thực vật hoang dã, để chúng không bị tuyệt chủng, cũng là vì tương lai của các thế hệ con, cháu.
Ngài Yury Fedotov, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khẳng định, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, đảm bảo cho thẩm phán và lực lượng an ninh có đủ năng lực, có thể đưa ra những phán quyết thích đáng cho loại tội phạm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Nhiều nhà nước đã có cam kết chính trị mạnh mẽ để thực hiện tuyên bố tại 2 hội nghị đã diễn ra ở London và Kansane. Liên hợp quốc luôn hỗ trợ tích cực cho các quốc gia trong giải quyết vấn nạn này.