Ngày 6/11, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự khiếu kiện hành chính. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND; Giám đốc, Phó Giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên của 6 trung tâm hòa giải, đối thoại của tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Hòa giải đối thoại trong tố dụng dân sự, hành chính đóng vai trò quan trọng, là phương thức hữu hiệu để bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự.
Hòa giải đối thoại ngoại tố tụng là hướng tiếp cận mới của TANDTC và được sự đồng ý của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà không phải mở phiên tòa, tiết kiệm chi phí thời gian, công sức của các đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án. Đồng thời hòa giải thành, đối thoại thành còn góp phần hàn gắn những rạn nứt giữa các đương sự, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân.
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của TANDTC, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban chỉ đạo triển khai thí điểm về đối mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sự nỗ lực quyết tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Vĩnh Phúc, 6 Trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND hai cấp đã được thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2018.
Việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 6 đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc là hướng đi mới trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án. Góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian chi phí, công sức của các đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, đồng thời giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án ...
Theo đó, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 06 đơn vị TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên, đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án. Chi phí, bồi dưỡng cho Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho Hòa giải viên, Đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong những năm qua, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã có rất nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử cùng với các cơ quan nội chính của tỉnh góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc triển khai thi điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự khiếu kiện hành chính tại TAND là bước đi hết sức sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam nhằm đổi mới mô hình tổ chức hòa giải, đối thoại, tăng cường nhận thức của các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại ...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được xem video phóng sự về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Hải Phòng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để các Tòa án khác triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan để việc triển khai thực hiện thí điểm thành công.
Để thực hiện tốt thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc chủ động, tích cực bảo đảm hoạt động của các trung tâm; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các trung tâm và kiến nghị TANDTC hướng dẫn, xử lý kịp thời nếu cần thiết.
Đồng thời, đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn; vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để triển khai trong thực tiễn.